Trong nhiều năm qua, nhất là giai đoạn 2006 - 2010, Thành ủy TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút công chức trẻ triển vọng, sinh viên khá - giỏi để đào tạo nguồn cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển TP. Tuy nhiên, hiệu quả của những chương trình này có lúc chưa được như mong muốn. Đồng chí Nguyễn Thị Lan (ảnh), Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, đã nhìn nhận một cách thẳng thắn như vậy qua cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP sau loạt bài Tin ở người trẻ.
Chưa thu hút nhiều nhân tố xuất sắc
Đồng chí Nguyễn Thị Lan cho biết, với quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ vừa hồng vừa chuyên, Thành ủy TPHCM thực hiện chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn, chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ (giai đoạn 2001 – 2006) và 500 thạc sĩ, tiến sĩ (2007 – 2010). Chúng ta chọn những sinh viên, công chức trẻ, triển vọng để xem xét, tạo điều kiện tiếp tục phát huy, luân chuyển, tăng cường đào tạo; đặc biệt là luân chuyển về cơ sở. Đây là chương trình mang tính chất đột phá của TP, thực hiện trong nhiệm kỳ VII và tăng cường đẩy mạnh trong nhiệm kỳ VIII. Đến nay, số lượng người tham gia chương trình là trên 1.200. Các bạn được đào tạo chính quy, một số được đào tạo ở nước ngoài và được rèn luyện trong thực tiễn. Đa số được đánh giá hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có chiều hướng phát triển tốt.
- PV: Cụ thể có bao nhiêu phần trăm cán bộ trẻ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thị Lan : Mặc dù có đến 98% - 99% trong số 1.200 bạn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, nhưng trong đó chỉ có khoảng 50% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều này cho thấy một số cán bộ diện quy hoạch dài hạn chưa thật tiêu biểu, chiều hướng phát triển không rõ; bởi “hoàn thành nhiệm vụ” đôi lúc chỉ là kết quả đánh giá kiểu nể nang, cho qua. Còn được đánh giá cao, xứng đáng nổi trội như kỳ vọng của chúng ta phải là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Cần phải nhìn nhận một thực tế là kết quả công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ tuổi của TP thời gian qua cũng còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ trẻ chưa đáp ứng nhu cầu bố trí, sử dụng. Chúng ta có thể lấy con số sau để so sánh: yêu cầu đặt ra là phải có 15% cán bộ trẻ trong cấp ủy cấp trên sơ sở, nhưng tỷ lệ chỉ đạt 9,5%. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa thu hút được nhiều nhân tố thật sự xuất sắc, nổi trội.
- Như vậy, nguyên nhân nào khiến một bộ phận cán bộ trẻ vẫn chưa nỗ lực hết mình?
Điều đáng suy nghĩ là một số cán bộ được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chưa hoàn toàn yên tâm công tác. Nguyên nhân là do cơ chế tiền lương. Các bạn đi học ở nước ngoài về được nhiều nơi mời gọi với mức lương 1.000 – 1.500 USD/tháng. Trong khi đó, tiền lương tại các cơ quan quản lý nhà nước còn thấp, cơ chế làm việc vẫn còn cũ kỹ khiến các bạn chưa có điều kiện phát huy hết năng lực của mình. Lấy ví dụ, làm việc trong các sở ngành, các bạn không có điều kiện phát huy vốn ngoại ngữ. Như ở Sở Kế hoạch – Đầu tư TP, chỉ có một nhóm chuyên thẩm định các dự án đầu tư, nhưng cũng chưa chắc nhóm đó trực tiếp làm việc được với đối tác nước ngoài. Phía nước ngoài nếu muốn đầu tư vào một dự án nào đó thì sẽ thuê luật sư, người đại diện để đi làm thủ tục chứ họ không trực tiếp làm, nên các bạn khó phát huy vốn ngoại ngữ. Cá biệt, một số cấp ủy, lãnh đạo, đặc biệt là khối sở ngành cũng chưa thật sự quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ phát huy sở trường.
Mở rộng nguồn quy hoạch
- Nhiều cán bộ trẻ trăn trở về điều kiện làm việc sau khi được đào tạo. Chẳng hạn một số bạn được bố trí việc không phù hợp với chuyên ngành đã học nhưng xin chuyển về nơi phù hợp thì lại không được nhận vì hết chỉ tiêu…
Khi Ban Tổ chức Thành ủy TP bố trí các bạn về công tác tại đơn vị sẽ theo nguyên tắc là bố trí đúng chuyên môn và nơi có nhu cầu. Chẳng hạn như một bạn học ngành công nghệ thông tin thì sẽ bố trí về Sở Thông tin – Truyền thông, nơi đang cần cán bộ công nghệ thông tin. Nhưng thực tế, có khi bạn ấy về sở lại được bố trí về một phòng nào đó và trưởng phòng lại giao cho công việc ít liên quan đến công nghệ thông tin. Hơn nữa, trong hệ thống cơ quan nhà nước, nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng chờ cấp trên bố trí, rồi trong lúc chờ trưởng phòng phân công công việc thì nhân viên mới được yêu cầu ngồi… đọc tài liệu. Các bạn trẻ - đặc biệt là những bạn học từ nước ngoài về - sẽ thấy sốt ruột với phong cách lề mề, chậm chạp đó. Do vậy, vấn đề quán triệt cho lãnh đạo, cấp ủy các cấp, các ngành về mục đích, ý nghĩa quan trọng của công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ trẻ là hết sức cần thiết.
- Vậy chúng ta có kênh thông tin nào cho các bạn phản hồi nếu có sự bố trí, sử dụng không hiệu quả ở cơ sở không?
Chúng tôi vẫn đề nghị các bạn giữ mối quan hệ thường xuyên để kịp thời thông báo khi được đề bạt, bổ nhiệm cũng như thông tin những thuận lợi, khó khăn trong công việc. Thời gian qua, những trường hợp gặp khó khăn trong công việc đều được gặp gỡ trao đổi để tháo gỡ hoặc bố trí lại công việc. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng nhiều bạn chưa thông tin kịp thời, để khó khăn dồn lại…
- Nhìn ra những hạn chế trên, Thành ủy TP có giải pháp gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch đào tạo cán bộ trẻ?
Để tăng cường chất lượng, hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quán triệt sâu sắc trong cấp ủy, lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu các cấp các ngành về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ. Muốn có lớp trẻ kế cận, cấp ủy và lãnh đạo phải thật sự quan tâm, quyết tâm, kiên trì đeo bám, nhắc nhở, chăm chút cho các bạn.
Một giải pháp quan trọng khác là chúng ta sẽ mở rộng đối tượng đưa vào diện quy hoạch. Trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao đang bị cạnh tranh gay gắt thì không nên có sự phân biệt cứng nhắc giữa khu vực công quyền và khu vực tư nhân, trong nước và nước ngoài. Nghị quyết 42-NQ/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đề ra phương châm công tác quy hoạch là “động” và “mở”. Thời gian qua, chúng ta chỉ chọn nguồn từ công chức và sinh viên mới ra trường. Giờ chúng ta nên phát hiện những cán bộ, lao động ngoài quốc doanh nổi trội về năng lực và trình độ, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức. Muốn thu hút được người giỏi, chúng ta phải có chính sách rõ ràng, cụ thể.
Mạnh dạn thi tuyển chức danh, bổ nhiệm vượt cấp
- Cụ thể, những chính sách thu hút của TPHCM là gì, thưa đồng chí?
Vừa qua, Ban Tổ chức Thành ủy TP cũng nghiên cứu về vấn đề này. Chúng tôi sẽ đề nghị TP có chủ trương thi tuyển các chức danh để mở rộng hơn dân chủ, công khai, có yếu tố cạnh tranh trong quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, tạo điều kiện cho nhiều cán bộ trẻ tuổi diện quy hoạch được dự tuyển và sớm được rèn luyện thử thách trên cương vị lãnh đạo, quản lý... Hiện nay chúng ta bổ nhiệm theo quy hoạch, trong khi đó việc quy hoạch lại theo kiểu “một chức danh, nhiều người”, nặng tính thứ tự trước sau. Việc thi tuyển chức danh, trước đây một số quận - huyện, sở - ngành cũng đã thực hiện nhưng chưa thành chủ trương chung của TP. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất việc mạnh dạn bổ nhiệm vượt cấp, rút ngắn thời gian bổ nhiệm đối với những cán bộ xuất sắc, nổi trội. Bên cạnh đó, TP sẽ đề xuất trung ương tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng thêm 10% cấp ủy viên là cán bộ trẻ đối với cấp ủy cấp trên cơ sở và cấp TP trong nhiệm kỳ.
- “Có thực mới vực được đạo”, TP có chính sách gì để tạo môi trường làm việc cũng như chế độ đãi ngộ xứng đáng để duy trì nhiệt huyết của người trẻ?
Chính sách tiền lương là quy định chung, TP khó thay đổi. Do vậy để các bạn cải thiện thu nhập, chúng tôi nghĩ đến biện pháp tạo điều kiện cho những bạn đi học ở nước ngoài về có một phần thời gian để tham gia thỉnh giảng ở các trường đại học, các trung tâm đào tạo vì thực tế những nơi này cũng có nhu cầu. Các sở, ngành có thể giao cho các bạn tham gia vào các dự án để có thêm thu nhập từ chi phí thực hiện dự án. Nói chung, vấn đề này phải được giải quyết một cách linh động theo từng địa phương, đơn vị.
- Cán bộ làm việc tại sở ngành thì có thể đi giảng dạy. Nhưng với cán bộ trẻ công tác tại phường, xã, thị trấn vùng sâu vùng xa, e rằng việc này hơi khó?
Đúng là hiện nay cán bộ công tác ở phường, xã là cực nhất. Công việc ở cơ sở rất nhiều, nhiệm vụ nặng nề, không còn quỹ thời gian để đi làm thêm. Do vậy, TP đánh giá rất cao đội ngũ cán bộ trẻ, chủ chốt ở phường, xã. Giai đoạn công tác ở phường, xã cũng là giai đoạn giúp họ trưởng thành nhất, với nhiều trải nghiệm sâu sắc, ý nghĩa. Vừa rồi, Thành ủy, UBND TP đã có chế độ trợ cấp thêm cho cán bộ tốt nghiệp đại học, sau đại học công tác tại phường, xã, thị trấn. Về lâu dài, TP sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương để thay đổi cơ chế. Ban Tổ chức Thành ủy TP và Sở Nội vụ cũng thống nhất sẽ có cuộc họp bàn kỹ về giải pháp, chính sách để hỗ trợ các em, giữ chân các em làm việc lâu dài.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Số liệu thống kê của Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM cho thấy: Cán bộ trẻ diện quy hoạch dài hạn đến nay được hơn 1.200 người. Qua nỗ lực phấn đấu, rèn luyện đã có 847 cán bộ được kết nạp Đảng (chiếm 70,34%); 431 cán bộ được bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó phòng ban cấp quận huyện, sở ngành, chủ chốt phường, xã và tương đương (tỷ lệ 35,79%); 373 cán bộ tham gia cấp ủy các cấp (chiếm 30,98%), 74 là cán bộ đương nhiệm và dự bị chức danh Thành ủy TP quản lý. Gần 600 cán bộ trẻ đã và đang được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bằng phương thức đào tạo trong nước kết hợp nghiên cứu thực tập ở nước ngoài và đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài – theo chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ (2001 – 2006) và 500 thạc sĩ, tiến sĩ (2007 – 2010). Qua tổng kết Đại hội Đảng cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2010 – 2015, cán bộ trẻ dưới 35 tuổi tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở đạt 9,50% (khối quận huyện 12,43%, khối sở ngành và trung ương 5,77%). So với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ này đã tăng 3,21% nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu 15% đặt ra. |
Ái Chân – Mai Hương