Đột phá

Đầu tuần này, với việc xuất xưởng lô sản phẩm CPU đầu tiên tại Nhà máy lắp ráp và kiểm định đặt tại TPHCM, Tập đoàn Intel đã dựng lên một cột mốc quan trọng không chỉ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn này, mà cả trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Đầu tuần này, với việc xuất xưởng lô sản phẩm CPU đầu tiên tại Nhà máy lắp ráp và kiểm định đặt tại TPHCM, Tập đoàn Intel đã dựng lên một cột mốc quan trọng không chỉ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn này, mà cả trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Về phía Intel, ban đầu nhà máy tại Việt Nam chỉ sản xuất chipset di động dành cho laptop và các thiết bị di động, sau đó là sản phẩm Atom SoC (cuối tháng 12-2013) và bây giờ là CPU - một nhiệm vụ sản xuất phức tạp hơn nhiều, nhưng đã được dự kiến trong kế hoạch dài hạn. Về phía Việt Nam, nói như ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đây là một động thái góp phần khẳng định khả năng của Việt Nam trong việc lĩnh hội và đáp ứng các công nghệ tiên tiến. Điều này cũng chứng minh lòng tin vững chắc của một tập đoàn có uy tín toàn cầu đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Là một trong những người có công rất lớn trong việc thuyết phục Tập đoàn Intel đặt cứ điểm sản xuất tại Việt Nam cách đây gần 10 năm, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, nói: “Sự có mặt của Intel tại Việt Nam và bây giờ là sự ra đời sản phẩm mới này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cụ thể mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo lòng tin cho các nhà đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vệ tinh, góp phần hình thành, phát triển một ngành công nghiệp công nghệ cao cho đất nước”.

Trong một động thái khác, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) vừa quyết định đầu tư thêm 1 tỷ USD để phát triển sản xuất màn hình có độ phân giải cao tại nhà máy trong KCN Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), đưa tổng số vốn mà tập đoàn này đã rót vào Việt Nam lên tới gần 7 tỷ USD. Việc Samsung mạnh dạn “bỏ trứng vào giỏ Việt Nam” cũng không có gì là lạ: họ đang ăn nên làm ra tại Việt Nam. Chỉ sau 3 tháng đi vào hoạt động, chỉ riêng Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã xuất khẩu được 5,4 triệu sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng, trị giá 2 tỷ USD (tính đến cuối tháng 6-2014). Ước tính đến cuối tháng 7-2014, con số này đạt khoảng 6 triệu sản phẩm...

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Reed Tradex, công ty chuyên tổ chức các triển lãm hàng đầu tại ASEAN, mới đây cho biết, họ đang cân nhắc kế hoạch tổ chức thêm triển lãm công nghiệp, điện tử tại Việt Nam, nhằm biến Hà Nội thành một địa điểm giới thiệu thiết bị điện tử lớn tại ASEAN trong vòng 3 năm tới. Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Duangdej Yuaikwamdee, Phó Giám đốc điều hành của Reed Tradex, nói: “Chúng tôi rất hào hứng khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là nhu cầu đang tăng đối với những sản phẩm linh kiện, thiết bị công nghiệp. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang có tiềm năng phát triển mạnh nhất trong lĩnh vực tự động hóa, tiếp theo là Indonesia và Thái Lan. Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào năm 2015, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan sẽ hình thành tam giác phát triển trong lĩnh vực tự động hóa. Còn hiện tại, Việt Nam đang là trung tâm sản xuất điện tử của khu vực”.

Có lẽ sẽ không quá lời khi nói Việt Nam đã bước thêm một bước gần hơn đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao. Dĩ nhiên, để có thể thật sự đạt được mục tiêu ấy, còn rất nhiều việc phải làm. GS-TSKH Nguyễn Mại nhớ lại, năm 2004, thời điểm mà Chính phủ Việt Nam quyết tâm thuyết phục Intel dừng chân tại Việt Nam, việc đàm phán với tập đoàn đa quốc gia này đã được chuẩn bị cực kỳ chu đáo và quyết liệt. Gần 30 kiến nghị của Intel đã được tổ công tác đặc biệt do GS-TSKH Nguyễn Mại làm Tổ trưởng nghiên cứu, phân loại cẩn thận. “Chúng tôi đã chia ra làm 3 loại. Có 4 - 5 kiến nghị trong số đó không cần đàm phán, vì có sẵn trong luật của chúng ta rồi. Loại thứ 2 có thể xem xét, giải quyết, vấn đề là mức độ đến đâu. Chúng tôi cũng đã phân chia thành nhiều kịch bản: cao nhất - vừa phải - thấp nhất. Cũng có một số thuộc loại không nhượng bộ được. Sau khi xin ý kiến Bộ Chính trị, Chính phủ đã lập tức họp bàn, quyết định dứt dạt trước khi tổ công tác tiến hành đàm phán với họ. Nhà đầu tư đã rất hài lòng vì mọi việc hanh thông, thủ tục đầu tư triển khai nhanh gọn” - GS-TSKH Nguyễn Mại nhớ lại. Sau này, khi nghiên cứu trường hợp của Samsung, GS-TSKH Nguyễn Mại cũng đánh giá cao việc Chính phủ quyết định rất nhanh những đề nghị của nhà đầu tư và tháo gỡ kịp thời, thấu tình đạt lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của các dự án.

Phải chăng, đối với các tập đoàn đa quốc gia thì yêu cầu quan trọng nhất chưa hẳn là ưu đãi bằng tiền, mà là sự phù hợp với chiến lược phát triển của họ và tính kịp thời, thấu tình đạt lý khi đàm phán cũng như xử lý các công việc liên quan? Mà chỉ với sự có mặt của những “ông lớn” này thì hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài mới có thể có bước đột phá cả về “chất” và “lượng”. Mong rằng sắp tới Việt Nam sẽ còn được đón nhận nhiều tin vui như thế.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục