Trên chuyên mục này ngày 3-11-2014, Báo SGGP đăng bài “Nhận diện đúng thực trạng đói nghèo”, phản ánh thực tế đói nghèo trong xã hội hiện nay chưa giảm một cách căn cơ, tình trạng đói nghèo cùng cực tăng; thực chất hộ thoát nghèo vẫn gặp rất nhiều khó khăn; chênh lệch mức sống của người dân các vùng miền tiếp tục giãn rộng... Thực tế trên đòi hỏi trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, cần gác lại những dự án “hoành tráng” để tập trung các nguồn lực lo cho dân. Có xóa đói giảm nghèo một cách thực chất mới tạo môi trường xã hội ổn định, làm nền tảng phát triển vững chắc các giai đoạn sau.
Về vấn đề này, báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 nhìn nhận: “Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư còn lớn. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư nông thôn, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn lớn, nhất là trong thanh niên. Nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp xã hội còn hạn hẹp...”.
Trong điều kiện nguồn lực xóa đói giảm nghèo hữu hạn, vấn đề đặt ra là Nhà nước phải kiến tạo môi trường để người dân bung ra làm ăn, thoát nghèo cho mình và góp phần xóa nghèo trong xã hội. Điều này cũng thể hiện rõ trong định hướng các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phối hợp cùng Tổng cục Thống kê và Trường Đại học Copenhaghen (Đan Mạch) công bố mới đây đã làm nhiều người... chưng hửng!
Kết quả nghiên cứu cho thấy số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có tỷ lệ cao hơn trước, quy mô và năng suất lao động đều giảm dần, các DNVVN trong 2 năm qua có xu hướng xấu hơn so với giai đoạn 2009-2011. Một trong những lý do được đưa ra là chi phí không chính thức tăng, gây trở ngại lớn đối với doanh nghiệp. Nếu năm 2011 chỉ 38% doanh nghiệp được hỏi cho biết có chi phí không chính thức thì tỷ lệ này đã tăng lên 45% trong năm 2013; 38,5% doanh nghiệp cho biết không chi hối lộ năm 2011 thì đã phải trả “chi phí bôi trơn” năm 2013; 29% các khoản chi không chính thức liên quan đến dịch vụ công (năm 2011 chỉ khoảng 26%)...
Nhận xét về việc này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho biết ngoài đối đầu với những khó khăn do tác động khủng hoảng từ bên ngoài, gần đây sự “bỏ cuộc” của DNVVN còn do những nguyên nhân từ bên trong: Rào cản gia nhập thị trường từ bộ máy hành chính nhà nước; thiếu vắng các chính sách tạo điều kiện, cơ hội cho DNVVN phát triển.
Trong thực tế, loại hình doanh nghiệp vi mô thường là các hộ bậc trung hoặc cận nghèo, tích lũy thấp, mở doanh nghiệp để tạo việc làm cho chính mình và bà con chung quanh bằng tiền vay bạc hỏi. Lẽ ra các hộ kinh doanh này phải được ưu ái hết mức nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp để thay đổi số phận của mình và người thân, nhưng lại bị đối xử tệ.
Thực tiễn cũng cho thấy nhờ chủ trương Đổi mới, phát triển khu vực kinh tế tư nhân mà Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt 2 thập niên trước đây. Các doanh nghiệp tư nhân mà phần lớn là DNVVN đã thu hút trên 80% việc làm, 70% nguồn vốn xã hội. Tuy vậy đến nay thành phần này luôn bị lép vế do những rào cản áp đặt và môi trường kinh doanh bất bình đẳng; đã trói buộc doanh nghiệp, làm tăng chi phí kinh doanh, tạo ra tình trạng tham nhũng vặt tràn lan. Trên bình diện chung, điều này đưa đến hệ quả giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, kéo trì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đất nước nói chung và chủ trương đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo nói riêng.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ thảo luận và thông qua các đạo luật rất quan trọng đối với nền kinh tế: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Quản lý, Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… Cử tri kỳ vọng với tinh thần đổi mới thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu dân cử sẽ cân nhắc kỹ lưỡng từng điều khoản trước khi bấm nút thông qua. Để khi các đạo luật mới được ban hành sẽ tạo nên sinh khí mới trong đời sống kinh tế-xã hội nước ta, tạo đột phá dấy lên tinh thần khởi nghiệp vì mục tiêu dân giàu nước mạnh; loại bỏ những cản ngại cũ để người dân thực hiện các quyền của mình theo tinh thần Hiến pháp mới 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Nhà nước ta chủ trương trong nền kinh tế thị trường doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng; doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải đặt trong môi trường cạnh tranh chung. Thực tế có mạnh dạn loại bỏ tư duy bảo hộ, lợi ích nhóm và “ưu ái sân sau”, bình đẳng về thuế, tín dụng, đất đai và các nguồn lực công khác... mới tạo điều kiện cho DNVVN lớn lên và DNNN mới lớn mạnh, thật sự mạnh, có chỗ đứng trên sân chơi toàn cầu đang mở ra, chứ không phải loanh quanh chèn ép các thành phần kinh tế khác trong nước nhằm khẳng định vai trò của mình.
Đã đến lúc chính sách cần trợ lực một cách thực chất để người dân thoát nghèo, làm giàu bằng năng lực và kỹ năng của chính người dân. Các đạo luật mới phải tạo ra sân chơi bình đẳng để mọi thành phần kinh tế trong nước cùng hưởng lợi ích một cách hài hòa nhằm mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh.
LÊ TIỀN TUYẾN