Vài ngày gần đây, dư luận thực sự bị sốc trước thông tin một “dị nhân” ở Đà Nẵng tuyên bố có thể tạo mưa nhân tạo và hơn thế còn ngăn chặn, đánh tan được các cơn bão từ ngoài biển vào bằng việc sử dụng một công nghệ bí mật mà hiện ông chưa tiết lộ.
Đó là dự án được đặt cái tên nghe hơi “phiêu” của ông Phan Đình Phương, Giám đốc Công ty công nghệ An Sinh Xanh có trụ sở ở TP Đà Nẵng. Điều này làm nhiều người nhớ cách đây hơn 5 năm, đã từng xuất hiện một “dị nhân” tuyên bố có thể “hô phong hoán vũ”, chặn và lái hướng của các cơn bão ngoài biển Đông không đi vào đất liền nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... chỉ cần bằng “nội công”, sau đó trở thành một chuyện hài tếu cho dư luận.
Tuy nhiên, trong dự án của mình, ông Phan Đình Phương khẳng định không phải viển vông mà hoàn toàn khoa học. Cách làm cụ thể như thế nào thì ông vẫn còn giữ kín nhưng chủ yếu là phun i-ốt bạc để các phân tử nước dịch lại với nhau, hình thành mưa rơi xuống, giải hạn cho những vùng bị ảnh hưởng bởi El Nino. Còn đối với việc đánh tan, ngăn chặn mưa để chống ngập lụt, không cho mây vào đất liền thì sẽ hút nước biển phun lên cho mây ướt và tạo thành mưa rớt xuống biển.
Ông Phan Đình Phương khẳng định có thể tạo mưa để giải hạn cho những vùng bị ảnh hưởng bởi El Nino. Ảnh minh họa
Sốc hơn, để thực hiện được “ý tưởng siêu phàm” của mình, ông Phương đã đề nghị lên cơ quan chức năng ở cấp Trung ương xem xét chủ trì tổ chức cuộc họp với 7 bộ để bàn riêng về dự án “lên trời gọi mưa” của ông và còn xin tạm ứng khẩn số tiền khổng lồ 5.000 tỷ đồng để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào ngày 10-10 sắp tới. Thậm chí, ông Phương còn tự tin nói “đề xuất của tôi đã được Văn phòng Chính phủ chấp nhận và có công văn đề nghị 7 bộ có liên quan nghiên cứu với tôi phối hợp để triển khai theo chức năng và nhiệm vụ”.
Để tìm hiểu rõ về tính khả thi của dự án “lên trời gọi mưa” và “đánh tan mưa bão” này, chúng tôi liên lạc với ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương. Ông Hoàng Đức Cường cho biết chưa có nhiều thông tin về dự án của ông Phương nên không thể đưa ra nhận xét, song ở nước ta trước đây đã từng có dự án nghiên cứu về mưa nhân tạo và giao cho Viện Khoa học khí tượng thủy văn thuộc Bộ TN-MT thực hiện, nếu có tính khả thi thì Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu sẽ đề xuất cấp phép tác động vào thời tiết.
Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi ngày 16-9, TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn khẳng định dự án nghiên cứu tạo mưa nhân tạo ở nước ta đã không còn tiếp tục nữa vì rất tốn kém nên phải dừng lại từ nhiều năm nay. Còn đối với dự án “lên trời gọi mưa” của kỹ sư Phương ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định hiện chưa có hồ sơ cụ thể trong tay nên không nắm rõ dự án triển khai ra sao, sử dụng phương pháp và công nghệ nào. Song qua theo dõi sơ bộ thì dự án khó khả thi vì mặc dù trên thế giới đã từng thực hiện thành công các vụ gây mưa nhân tạo nhưng họ sử dụng phương pháp khác với cách làm của ông Phan Đình Phương.
Trao đổi thêm với PV Báo SGGP, GS-TS Phan Văn Tân, Chủ nhiệm Bộ môn khí tượng, Khoa Khí tượng thủy văn và hải dương học thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, không ngần ngại nói đây chỉ là một dự án kiểu “trên trời” - nếu công bố theo kiểu “tâm linh” thì còn tạm bỏ qua được, chứ nói về mặt khoa học thì viển vông. Ông cho biết, trên thực tế đã có nhiều nước tiến hành làm mưa nhân tạo như ở Nga, Trung Quốc và thậm chí cả Thái Lan... nhưng họ chỉ làm mưa nhân tạo khi có các vụ việc đặc biệt, ví dụ như phá các trận băng, tuyết nguy hiểm còn bình thường thì không triển khai vì chi phí cho mỗi lần thử nghiệm ngốn rất nhiều chi phí, khoảng 7 triệu USD và “ở Việt Nam, tôi có thể khẳng định là bất khả thi” - GS-TS Phan Văn Tân nói.
Thực tế tại Việt Nam vào các năm 2005, 2006 đến 2007 đã từng triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ có tên là “Nghiên cứu cơ sở khoa học để làm mưa nhân tạo tại Việt Nam” nhưng sau đó nhóm nghiên cứu phải thừa nhận là khó, nếu không muốn nói là “không thể”. Theo GS-TS Phan Văn Tân, phương pháp gây mưa nhân tạo trên thế giới hiện nay vẫn chủ yếu là sử dụng Nitrat bạc để tạo ra hiện tượng ngưng kết hơi nước trong không khí thành các đám mây. Nhưng khó làm mưa nhân tạo ở Việt Nam vì do địa hình của chúng ta hẹp và dài. Nếu giả sử chúng ta dùng Nitrat bạc tạo các đám mây tại khu vực Tây Nguyên, liệu mây có gây mưa tại Tây Nguyên hay bay ra biển, hoặc mưa ở Lào?
Ông Phan Văn Tân khẳng định, nếu làm mưa nhân tạo vì mục đích khoa học (dư tiền, làm chỉ để thử nghiệm) thì được, còn nếu xét về mục đích kinh tế thì sẽ không nhà đầu tư nào dám bỏ ra. Nếu có một khoản tiền đầu tư, cần phải xem lại nên rót cho mưa nhân tạo hay đầu tư hệ thống dẫn dòng, hồ chứa nước ngọt để tưới tiêu, chống hạn hán... “Tôi cũng đã từng đưa ra phản biện về dự án mưa nhân tạo tại Việt Nam và khẳng định hiện tại chúng ta chưa đủ sức để thực hiện. Và lâu rồi cũng không còn ai nhắc tới dự án đó nữa” - GS-TS Phan Văn Tân nói. Trở lại dự án “lên trời gọi mưa” và “ngăn chặn mưa bão”, GS-TS Phan Văn Tân đề nghị nên loại bỏ sớm vì cả hai đều rất tốn kém, lãng phí tiền của nhà nước.
VĂN PHÚC