Sau 5 năm thực hiện, 25 chợ thực phẩm tươi sống thuộc dự án Lifsap với quy mô hơn 1.257 quầy bán thịt đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố; đảm bảo điều kiện vệ sinh, góp phần tích cực trong chuỗi liên kết sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch từ “trang trại” đến “bàn ăn” cho người dân.
Nhiều tiện ích
Theo lãnh đạo Lifsap tại TPHCM, trước khi có dự án, người tiêu dùng mua thịt tươi sống trong các chợ truyền thống có quy cách sạp chưa đồng bộ, tùy vào tình hình tài chính của tiểu thương mà sạp có được sạch sẽ, an toàn thực phẩm hay không. Từ khi dự án được triển khai, các hộ tiểu thương cùng buôn bán trong các sạp có quy cách và mức độ vệ sinh an toàn cao như nhau. Dự án đầu tư toàn bộ hệ thống quầy sạp, móc treo, cung cấp nước sạch tại quầy… giúp nâng cao điều kiện vệ sinh thú y và sản phẩm bày bán. Ngoài ra, các nhà vệ sinh công cộng trong chợ và hệ thống xử lý nước thải cũng được đầu tư, nâng cấp, tạo môi trường an toàn vệ sinh cho cộng đồng.
Thực tế cho thấy, sau khi nâng cấp chợ theo quy chuẩn của Lifsap, khu vực quầy bán thịt được ốp lát nền sạch sẽ, bên dưới mặt quầy có tủ đựng. Chợ có hệ thống chiếu sáng và hệ thống cấp, thoát nước hợp vệ sinh. Ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng, dự án Lifsap còn tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn cho BQL chợ và tiểu thương cách vận hành, bảo quản tài sản và kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Lan, một tiểu thương bán thịt tại chợ Trần Văn Quang (quận Tân Bình) chia sẻ: “Lúc chưa nâng cấp khu vực thực phẩm tươi sống, chị em bạn hàng thường bày thịt trên bàn gỗ để bán. Lâu ngày sạp bị xuống cấp, xập xệ, đến mùa mưa nền quầy nhớp nháp vì bẩn. Lúc đó, mỗi ngày chúng tôi phải đi mua nước sạch từ nhà dân xách vào chợ để chà rửa. Nước chảy tràn lan ra ngoài lâu ngày gây ứ đọng hôi thối. Giờ vòi nước sạch được gắn ngay cạnh quầy bán thịt, hệ thống thoát nước thải ngay dưới sàn thuận tiện cho việc rửa tay và vệ sinh dụng cụ buôn bán. Từ quầy bán thịt đến lối đi được ốp đá, lát gạch khang trang, sạch đẹp, rất thuận tiện cho tiểu thương làm vệ sinh trước và sau khi bán hàng”. Cùng suy nghĩ này, chị Thanh, một tiểu thương có sạp thịt gia cầm cũng rất phấn khởi: “Từ ngày chợ được nâng cấp, cải tạo, tôi khỏe hẳn ra, ngồi bán 2 buổi sáng, chiều mà không thấy mệt. Khách đến mua thịt cũng nhiều hơn trước. Chúng tôi rất vui vì dự án Lifsap đã đầu tư cho toàn bộ quầy bán thực phẩm tươi sống để công việc buôn bán của tiểu thương được tiện nghi hơn trước, hiệu quả kinh doanh nhờ đó cũng tăng theo”.
Kết quả ngoài mong đợi
Tại TPHCM, các chợ trong khu vực nội thành thường có khuynh hướng chuyển thành trung tâm thương mại. Nhiều tiểu thương không muốn xáo trộn công việc buôn bán nên không muốn nâng cấp chợ; một số nơi không bố trí được địa điểm kinh doanh tạm trong thời gian sửa chữa, nâng cấp hoặc không có mặt bằng để mở rộng thêm các quầy sạp nhằm đưa người kinh doanh khu vực ngoài chợ vào kinh doanh tập trung trong khu chợ được nâng cấp… Chính những việc này đã gây không ít khó khăn trong kế hoạch phát triển số lượng nâng cấp chợ của dự án Lifsap. Bên cạnh đó, công tác vận hành chợ và duy trì quy trình vệ sinh tại chợ gặp khó khăn do tiểu thương chưa tự giác, chưa phối hợp chặt với Ban Quản lý chợ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch nâng cấp chợ mà còn kéo theo những hệ lụy khác như phát triển đàn heo sạch, tạo đầu ra cho sản phẩm... Nhiều năm qua, mặc dù dự án Lifsap TPHCM đã phát triển được đàn heo theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng trên thị trường, người tiêu dùng không ai nhận biết, đa phần họ chỉ mua thịt theo cảm quan. Lý giải về điều này, BQLDA Lifsap cho rằng, nguyên nhân là do tại các chợ truyền thống của thành phố chưa có quầy sạp bán thịt theo quy chuẩn, chưa giới thiệu được sản phẩm thật sự sạch cũng như logo nhãn hiệu, bao bì nhận biết sản phẩm VietGAP để người tiêu dùng lựa chọn, so sánh. Chính vì vậy, khi nâng cấp chợ theo chuẩn của Lifsap, kết hợp với việc tạo đầu ra cho những sản phẩm thịt an toàn, chất lượng với quầy bán thịt được chứng nhận VietGAP sẽ kéo người tiêu dùng đến chợ truyền thống nhiều hơn. Từ đó, tiểu thương mới có đủ khả năng để cạnh tranh với siêu thị, trung tâm thương mại đang mọc lên ngày một nhiều hơn.
Vượt qua những khó khăn của 5 năm đầu tiên, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, kiêm Giám đốc Lifsap cho biết, đến thời điểm hiện tại, khi chỉ còn vài tháng là kết thúc giai đoạn 1 của dự án (tháng 12-2015), kết quả thu được là những con số hơn mong đợi. Theo đó, dự án đã và đang nâng cấp được 25 chợ thực phẩm tươi sống và tiến hành nghiệm thu gần 1.260 quầy bán thịt đạt tiêu chuẩn vệ sinh, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng an tâm khi chọn mua thịt tại chợ truyền thống.
HOÀNG THÁI