LTS: Trong hai số báo ngày 24 và 25 -10- 2016, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đăng loạt bài Giải cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa. Loạt bài đã nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc. Ngày 9 và 22-11, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đây là dự án luật được rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm. Dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS - TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) về vấn đề này. Theo ý kiến của ông, dự luật này sẽ khó tạo ra sự đột phá trong phát triển DN do nhiều quy định không mang tính ràng buộc.
GS - TSKH Nguyễn Mại
* Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về dự luật này và bản dự thảo luật mới nhất mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra?
- GS-TSKH NGUYỄN MẠI: Với 97% DN Việt Nam là DNNVV thì đây là dự luật “cực kỳ quan trọng”. Tuy nhiên, để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, tôi cho rằng cần có sự phân biệt DN. Cụ thể, DN vừa có thể không cần phải hỗ trợ vì họ cũng tương đối có tiềm lực. Còn DN nhỏ thì nên chia thành 2 loại: nhỏ và siêu nhỏ. Lý do? Nếu lấy số liệu thống kê về DN giai đoạn 2005 - 2014, có thể thấy, tiềm lực trung bình của DN nhỏ và siêu nhỏ càng ngày càng nhỏ hơn. Nguyên nhân chính là chính sách của chúng ta đã không tạo điều kiện để DN tích lũy, nâng cao tiềm lực.
Có 2 vấn đề mấu chốt để phát triển DNNVV đó là thuế và tín dụng. Theo khảo sát của Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giai đoạn 2011 - 2014, doanh thu DNNVV dao động liên tục, lợi nhuận không tăng bao nhiêu trong khi thu ngân sách lại tăng đều đều. Điều đó thể hiện DN không có tích lũy để lớn lên. Hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc hỗ trợ DN, trong đó đề xuất giảm thuế thu nhập DN về 17%. Nhưng thực tế là DN có lãi đâu để nộp thuế mà giảm thuế. Cho nên, dù có giảm thuế thu nhập DN về 10% cũng không giải quyết vấn đề gì. Vấn đề quan trọng để DN tích lũy là thuế giá trị gia tăng (GTGT). Các nước, khi hỗ trợ DN họ giảm 50% thuế GTGT so với mặt bằng chung. Điều đó mới quyết định việc tích lũy của DN. Để hỗ trợ DN, tôi đề nghị nên có quan điểm tổng thể về thuế để có hệ thống thuế riêng cho DNNVV, để DN thành lập giai đoạn 2016 - 2020 có thể nâng cao quy mô 2-3 lần.
Còn về tín dụng, những quy định tại dự thảo luật thực tế đã có rồi, song DN nhỏ và siêu nhỏ không tiếp cận được. Nguyên nhân là những yêu cầu chặt chẽ về tài sản thế chấp. Tôi có dự một hội thảo do Công ty Tài chính quốc tế tổ chức vừa qua, các chuyên gia họ nói nhiều lần rằng, tài sản thế chấp để vay không nên chỉ áp dụng với bất động sản mà nên cả với động sản là: chứng từ thanh toán, hợp đồng mua bán, tiền sẽ thu… Vì DN nhỏ và siêu nhỏ không có bất động sản mà chỉ có động sản. Nếu không chuyển hình thức thế chấp thì không giải quyết vấn đề.
* Về tín dụng, dự thảo trước đó quy định các ngân hàng phải dành 30% tổng dư nợ tín dụng cho DNNVV vay nhưng bản dự thảo lại bỏ đi. Ông nhận xét sao về điều này?
- Vừa qua, một số tổ chức tín dụng tuyên bố hạ 1% - 1,5% lãi suất cho vay. Điều đó cho thấy tiền ở trong ngân hàng rất nhiều. Mặt khác, trong số hơn 250.000 tỷ đồng nợ xấu công bố, vậy đối tượng nào là chính? Tôi cho rằng, chủ yếu trong đó là DN lớn, có những DN lớn nợ hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu. Trong khi, DN nhỏ rất khó khăn, chật vật trong việc tiếp cận, vay vốn. Đó là sự bất hợp lý khi mà hiện nay, tín dụng dường như chủ yếu ưu đãi cho DN lớn. Ngoài ra, nếu chúng ta nhìn Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân vay vốn, có thể thấy, người nông dân họ đâu cần thế chấp mà chỉ có kế hoạch sản xuất là được vay, song người ta vẫn trả nợ, lãi đàng hoàng. Vậy tại sao ngân hàng lại không mặn mà cho DN nhỏ, siêu nhỏ vay? Theo quan điểm của tôi là nhiều ngân hàng ưu đãi DN lớn vì họ vay nhiều, còn DN nhỏ vay ít nên họ không muốn làm. DN lớn vay vốn dễ bao nhiêu thì DNNVV lại khó khăn trong vay vốn bấy nhiêu. Đúng là một sự nghịch lý.
Do đó, tôi cho rằng, dự luật cần có các quy định mang tính bắt buộc ngân hàng dành một tỷ lệ nhất định cho DN nhỏ, siêu nhỏ vay vốn. Nếu làm được thì mới tạo điều kiện cho các DN này vay được vốn. Quy định đó cũng không vi phạm quyền tự chủ của ngân hàng, tổ chức tín dụng và thực tế thì các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ... cũng đã làm như vậy. Còn nếu quy định như dự thảo chỉ mang tính khuyến khích thì cũng khó khả thi và không khác gì hiện nay.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ Đức Thành. Ảnh: CAO THĂNG
* Chính sách tín dụng của các nước với DNNVV ra sao, thưa ông?
- Rất nhiều nước họ quy định tỷ lệ bắt buộc là 30% tổng dư nợ tín dụng phải dành cho DNNVV. Còn thuế GTGT thì như ở Nhật Bản, họ giảm 50% thuế GTGT cho đối tượng này. Đây là những quy định có tác động rất lớn đến DNNVV.
* Vậy thì có vẻ như dự luật này khi ra đời sẽ khó có sự đột phá, thưa ông?
- Tôi chỉ xin nêu ví dụ so sánh: Samsung được ưu đãi thuế thu nhập DN suốt đời là 10% nhưng họ chỉ tạo ra 130.000 lao động, trong khi DNNVV họ tạo ra đến 7,5 triệu lao động. DN nhà nước hiện tạo ra hơn 2 triệu lao động, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 3,5 triệu lao động. Việc tạo ra công ăn việc làm rất quan trọng nhưng vấn đề này lại không được nhấn mạnh. Những số liệu này đặt ra câu hỏi là tại sao chúng ta không ưu đãi mạnh hơn cho DNNVV trong nước để tạo nền tảng tốt hơn cho sự phát triển kinh tế. Điều đó cho thấy cách tiếp cận vấn đề của chúng ta chưa ổn.
Vừa qua có chuyện DN ở TPHCM kêu là Nhà nước nợ họ 500 triệu đồng nhưng khi đi vay ngân hàng 300 triệu đồng cũng không được và họ phải đi vay tín dụng đen. Nghe mà đau xót! Rõ ràng, với các quy định hiện nay, DNNVV đang bị kẹt giữa chính sách tiền tệ và tín dụng. Quan điểm tôi cho rằng, nếu không đưa ra các quy định cứng trong luật thì dự luật này ra đời khó có tác động đến DNNVV. Đây là luật chuyên ngành mà lại chờ các luật về thuế, tín dụng thì không có tác dụng gì.
Xin cảm ơn ông!
HÀ MY thực hiện