- Dự án thể hiện sức mạnh công nghệ, năng lực và tầm nhìn chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đối với việc phát triển ngành năng lượng sinh học và là niềm vui lớn cho bà con nông dân vùng Tây Nguyên Nam bộ
Sáng ngày mai (20-3-2010), thêm một Nhà máy Sản xuất Ethanol Bình Phước sẽ chính thức được khởi công xây dựng tại xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Đây là một dự án được bà con nông dân kỳ vọng và được đánh giá là dự án thể hiện sức mạnh công nghệ, năng lực và tầm nhìn chiến lược của PVN đối với việc phát triển ngành năng lượng sinh học. Dự án cũng chính là một bộ phận của “Kế hoạch và Chương trình triển khai các dự án nhiên liệu sinh học (NLSH)” của PVN, nhằm triển khai “Đề án Phát triển NLSH đến năm 2015 tầm nhìn 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20-11-2007.
Để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại các vùng sâu, vùng xa, ngày 20-11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025”.
Đề án bao gồm hoạt động của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhằm xây dựng lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học (NLSH) của Việt Nam, khung pháp lý, các chính sách khuyến khích sản xuất, xây dựng mô hình thử nghiệm sản xuất và phân phối NLSH cũng như các dự án đầu tư của Chính phủ để phát triển NLSH đến năm 2025.
Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), với tư cách là một Tập đoàn kinh tế hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, đã đề ra “Kế hoạch và Chương trình triển khai các dự án NLSH của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” nhằm triển khai đề án phát triển NLSH tại thị trường VN, đồng thời khẳng định vai trò chủ đạo của Petro Vietnam trong việc hình thành và phát triển của thị trường NLSH đầy triển vọng. Trong đó, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) là đơn vị đóng vai trò then chốt trong chương trình NLSH do nắm giữ hệ thống phân phối xăng dầu của ngành dầu khí.
Kế hoạch phát triển của PV Oil dựa vào hệ thống phân phối được phát triển toàn quốc để cung cấp cho các cây xăng và các đơn vị tiêu thụ cuối cùng. Đồng thời PV Oil cũng tham gia đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất NLSH tại các vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ quan trọng trong cả nước. Nhà máy sản xuất NLSH từ sắn lát tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước với công suất 300.000 lít/ngày là một phần trong kế hoạch chung của PV Oil về lĩnh vực phát triển NLSH.
Đối tác chiến lược của PV Oil trong dự án này là Tập đoàn ITOCHU của Nhật Bản. Là bạn hàng lâu năm của Petro Vietnam, ITOCHU hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí và NLSH. Hiện tại, ITOCHU đã đầu tư các dự án NLSH tại Bra-xin, Phi-lip-pin và Thái Lan. Việc tham gia của ITOCHU vào dự án sẽ giúp tăng cường năng lực về công nghệ, tài chính và quản trị doanh nghiệp, đảm bảo cho dự án thành công.
Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF-Orient Bio-Fuels) được thành lập tháng 5-2009 tại Bình Phước để tiến hành các thủ tục chuẩn bị dự án đầu tư.
Các nhà đầu tư gồm Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản (49%), Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOIL (29% vốn) và Công ty LICOGI 16 (22%). Công ty PRAJ Industries Ltd., một nhà thầu có kinh nghiệm về công nghệ sản xuất Ethanol từ sắn được lựa chọn cung cấp công nghệ. Công ty Toyo Vietnam Corporation và Công ty Viet Insight được lựa chọn làm nhà thầu chuẩn bị Báo cáo khả thi (FS) cho dự án.
Tổng thầu EPC của dự án này là hai công ty Toyo Thai Corporation và Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Dầu khí (PV Engineering J.S.C). PV Engineering có gần 12 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế và quản lý dự án; Xây lắp công trình và Khảo sát kiểm định và tham gia vào nhiều dự án trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Vị trí nhà máy được đặt ở xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, bên hồ Thác Mơ và đường Quốc lộ 14. Bình Phước là tỉnh có nghề trồng sắn lâu đời và sản lượng đứng thứ 3 toàn quốc sau Tây Ninh và Gia Lai. Vùng vành đai quanh hồ Thác Mơ là nguồn cung cấp sắn trực tiếp cho nhà máy. Đường Quốc lộ 14 vận chuyển sắn từ Tây Nguyên qua Bình Phước để về Bình Dương và Đồng Nai cung cấp cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu qua cảng Sài Gòn. Bình Phước có hệ thống giao thông đường bộ tốt và môi trường đầu tư năng động do nằm trong vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ. Chính quyền tỉnh, huyện và nhân dân xã Minh Hưng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho quá trình chuẩn bị dự án.
Cũng theo dự án, Nhà máy Ethanol Bình Phước tiêu thụ 240 ngàn tấn sắn lát/năm, trung bình khoảng 21 tấn/ tháng. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, nhà máy sẽ kết hợp việc xây dựng hệ thống thu mua rộng khắp khu vực Bình Phước, Đắc Nông và Cam-pu-chia với việc đầu tư vùng chuyên canh sắn quanh hồ Thác Mơ bao gồm 8 xã trong địa bàn 2 huyện Bù Đăng và Phước Long.
Chủ đầu tư cũng có kế hoạch đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh biên giới thuộc Campuchia đối diện với cửa khẩu Hoa Lư và Ta Vát (Lộc Ninh) và Hoàng Diệu (huyện Bù Đốp, Bình Thuận) để cung cấp một phần quan trọng nguyên liệu cho nhà máy. Chủ đầu tư chú trọng xây dựng mối liên kết chặt chẽ với nông hộ nhằm tăng thu nhập cho nông dân và ổn định giá cả nguyên liệu sắn lát đầu vào cho nhà máy. Theo kế hoạch, sau 4 năm hoạt động (Năm 2014), nhà máy đảm bảo tự cung cấp 45% nhu cầu nguyên liệu thông qua các vùng nguyên liệu đã được đầu tư.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam sẽ là đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm Ethanol của Nhà máy rồi pha trộn với xăng và phân phối trên hệ thống toàn quốc của mình. Giá thành phẩm sẽ được tính toán và điều chỉnh để phản ánh sự thay đổi giá nguyên liệu đầu vào sắn lát. Hợp đồng bao tiêu nguyên tắc đã được ký giữa OBF và PV OIL.
Hợp đồng chi tiết sẽ được ký khi nhà máy bắt đầu hoạt động thương mại. Sản phẩm CO2 thô của nhà máy (khoảng 140 tấn/ngày) sẽ được nhà đầu tư chuyên nghiệp thu mua để sản xuất CO2 tinh khiết tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Công ty khí gas công nghiệp Messer đã được lựa chọn là nhà thầu thu mua CO2 của nhà máy và đầu tư nhà máy chế biến CO2 tinh khiết dạng lỏng và rắn dùng để chế biến thực phẩm và công nghiệp cơ khí. Nhà máy CO2 sẽ được xây dựng song song với nhà máy Ethanol. Các sản phẩm phụ của nhà máy là khí CO2, Chứng chỉ giảm phát thải CERs và phân vi sinh. Công ty OBF đã ký hợp đồng bán CO2 thô cho Công ty Messer (Đức) là nhà sản xuất và phân phối khí công nghiệp. Công ty Messer sẽ đầu tư phân xưởng sản xuất CO2 lỏng tại nhà máy với công suất 70 tấn/ngày. Chứng chỉ giảm phát thải CERs với lượng dự kiến 125.000 tấn/năm đang được đàm phán bán cho Tập đoàn ITOCHU.
Ngoài ra, nhà máy sẽ kết hợp với Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) để sản xuất phân bón vi sinh từ bã thải của nhà máy để cung cấp cho các công ty trồng cây cao su, các hộ nông dân trồng điều, sắn và các cây công, nông nghiệp trên địa bàn của tỉnh.
Nhà máy đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, chú trọng nâng cao thu nhập cho nông dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhà máy đã chọn phương án thiết kế xử lý nước thải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường của Nhà nước và địa phương. Nước thải của nhà máy được xử lý để đạt tiêu chuẩn xả thải loại A trước khi xả ra ngoài nhà máy.
Nhà máy có chính sách đầu tư để giúp các hộ nông dân trồng sắn kết hợp với chính sách thu mua đảm bảo giá cho họ. Nhà máy ưu tiên tuyển chọn lao động là con em của các hộ gia đình nằm trong khu vực nhà máy, vùng nguyên liệu và đảm bảo cho họ có thu nhập tốt và ổn định.
Tổng vốn đầu tư cho dự án Nhà máy là 81 triệu USD tức khoảng 1.493 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng, đền bù giải tỏa, máy móc thiết bị, vốn lưu động và chi phí dự phòng. Tổng chi phí máy móc thiết bị, xây dựng và nhà xưởng khoảng 57 tỷ đồng. Nhà máy sẽ đạt doanh thu hơn 1 ngàn tỷ đồng/ năm khi hoạt động với 100% công suất vào năm 2013, sử dụng khoảng 245 lao động, đóng góp ngân sách bình quân trên 20 tỷ đồng/năm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (chưa tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân).
Nhà máy sẽ tạo ra thị trường ổn định cho khoảng 10 ngàn hộ nông dân trồng sắn trong khu vực tỉnh Bình Phước và Đắc Nông. Khi bước vào hoạt động, nhà máy sẽ làm thay đổi căn bản bộ mặt kinh tế huyện Bù Đăng, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế nông thôn và chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
S.Nâu
Gương mặt nhà thầu PV Engineering Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Dầu khí được thành lập từ việc cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Tư vấn Đầu tư xây dựng Dầu khí (PVICCC). Ngày 10-4-1998: PVICCC là thành viên của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam nay là Tâp đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trong hơn 10 năm qua, Ban lãnh đạo cùng toàn thể CBCNV PV Engineering không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các dự án trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế và quản lý dự án; xây lắp công trình và khảo sát kiểm định, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Với sứ mệnh cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao với giá cả cạnh tranh và thân thiện với môi trường để thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của khách hàng, từ đó mang lại tỷ suất lợi nhuận cao, ổn định cho các cổ đông và tạo ra môi trường thách thức, chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân viên, PVE đã xây dựng được cơ sở vật chất tương đối hiện đại, chuyên nghiệp; lực lượng kỹ sư trẻ, dám nghĩ, dám làm và mang nhiều khát vọng. Các dự án PVE tham gia đều thành công, đóng góp chung vào thương hiệu của Tập đoàn và đồng thời thực hiện đúng chiến lược của Tập đoàn trong việc nâng cao năng lực tư vấn thiết kế. PVE đã xây dựng tầm nhìn của mình đến 2025 là trở thành một trong những công ty hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, thiết kế và cung cấp dịch vụ trọn gói EPC hoặc một phần các dự án trong lĩnh vực dầu khí. Để thực hiện được mục tiêu và sứ mạng trên, PVE đang thực hiện các công việc như: Phát triển nguồn nhân lực; Thuê chuyên gia nước ngoài và phát triển đội ngũ cộng tác viên; Hợp tác với các công ty nước ngoài; Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh; Đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị; Đầu tư các phần mềm phục vụ thiết kế và quản lý dự án; Xây dựng hệ thống dữ liệu/thư viện điện tử; Nâng cao hiệu quả marketing và quảng bá thương hiệu; Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và Nâng cao hiệu quả quản lý. Hiện nay, PVE đang thực hiện tư vấn thiết kế cũng như khảo sát kiểm định và xây lắp nhiều dự án lớn như: Lập dự án đầu tư xây dựng công trình đường ống dẫn khí kết nối Đông – Tây Nam bộ; Khảo sát bờ phục vụ thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED), thiết kế chi tiết và tham gia thiết kế FEED đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn; Từ lập báo cáo đầu tư cho tới thiết kế FEED, thiết kế chi tiết LPG Gò Dầu, 1 trong những bồn lớn nhất Việt Nam hiện nay; Thiết kế hệ thống Gaslift cho BK2 & BK7 của giàn CNTT-2… |