Dự án phát triển giao thông đường thủy, đường sắt: Chưa bao giờ là “công trình trọng điểm”?

Một trong những giải pháp căn cơ mà Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện trong thời gian tới nhằm “siết lại” tình trạng đường bộ phải oằn mình chịu hàng quá tải là phát triển thêm nhiều loại hình vận tải khác như vận tải bằng đường thủy, đường biển, đường bộ.
Dự án phát triển giao thông đường thủy, đường sắt: Chưa bao giờ là “công trình trọng điểm”?

Một trong những giải pháp căn cơ mà Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện trong thời gian tới nhằm “siết lại” tình trạng đường bộ phải oằn mình chịu hàng quá tải là phát triển thêm nhiều loại hình vận tải khác như vận tải bằng đường thủy, đường biển, đường bộ.

Đường thủy, đường sắt... luôn đứng sau đường bộ

Một chuyên gia và cũng là thành viên Ban Chấp hành Hội Cầu đường TPHCM nhận xét, ở TPHCM nói riêng và trên toàn quốc nói chung, các dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông vận tải đường thủy, đường sắt gần như bao giờ cũng được… xếp sau về thứ tự ưu tiên so với các dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông vận tải đường bộ. Và đây chính là lý do quan trọng làm cho hệ thống giao thông vận tải bằng đường thủy, đường sắt chưa đạt được tầm mức… như nó cần phải có. 

Vận chuyển container hàng bằng sà lan tại TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Vận chuyển container hàng bằng sà lan tại TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Tại TPHCM, loại hình “buýt thủy” đã được đề cập tới từ hàng chục năm nay. Thế nhưng cho đến nay ngoại trừ một số tàu du lịch chở khách đi tham quan thành phố, vận tải thủy trong nội đô thành phố gần như chưa có gì. Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, trở ngại lớn nhất đối với việc phát triển loại hình “buýt thủy” là thiếu bến đậu và các đường (bộ) dẫn khách ra, vào bến. Vốn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này có hạn trong khi một cơ chế đột phá cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này lại chưa có nên mọi tham vọng về “buýt thủy” chưa thể thực hiện được. TPHCM cùng nhiều tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ đã từng mở nhiều tuyến vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường thủy nhưng nhiều tuyến sau một thời gian hoạt động đã phải tạm ngưng. Lý do, tuy có nhiều song gần chục năm đã trôi qua kể từ khi các tuyến vận tải này bị đóng cửa, không hiểu vì sao chưa thấy ngành chức năng tìm ra giải pháp khôi phục chúng. Ngày trước, những chuyến tàu cao tốc chở khách đi Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng được hành khách ưa chuộng, đặc biệt là du khách nước ngoài và đây cũng là phương tiện giao thông được nhiều người dân lựa chọn để về quê mỗi dịp xuân về tết đến. Nay để về miền Tây Nam bộ với giá cước chấp nhận được, người dân chỉ còn cách đi ô tô (hàng không đã mở tuyến bay TPHCM đi Cần Thơ, Kiên Giang… nhưng chi phí đắt hơn nhiều so với đường bộ nên người dân ít sử dụng). Vận tải hàng hóa bằng đường thủy từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây Nam bộ thường bị nghẽn ở kênh Chợ Gạo. Tình hình này hiện nay đã được cải thiện nhưng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy vẫn mất rất nhiều thời gian so với đường bộ nên các chủ hàng, đặc biệt là hàng thực phẩm tươi sống vẫn chọn vận tải đường bộ làm phương tiện đi chính. Xây dựng tuyến đường sắt nối TPHCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ đã được nhiều chuyên gia, tư vấn trong chính ngành giao thông đề xuất nhưng tất cả đang trong quá trình nghiên cứu.

Còn nhiều bất cập

Bên cạnh sự thiếu quan tâm đầu tư của các ban ngành chức năng, sự yếu kém của nhiều đơn vị trong ngành vận tải đường thủy, đường sắt là nguyên nhân quan trọng khác làm cho hoạt động vận tải bằng đường thủy và đường sắt chưa thể phát triển.

Là phương tiện vận tải khối lượng lớn nên về nguyên tắc giá vé xe lửa phải thấp hơn giá vé đi ô tô - là loại hình vận tải khối lượng nhỏ hơn. Thế nhưng trên thực tế, giá vé xe lửa đa phần cao hơn giá vé ô tô rất nhiều, thậm chí với một số toa đặc biệt có máy lạnh, có gường nệm, giá vé xe lửa, nhiều lúc tương đương với cả vé máy bay. Đây là điều bất hợp lý, nhất là khi, đã từ lâu cơ bản ngành đường sắt không đầu tư lớn cho hệ thống đường ray, đầu máy, toa xe… Nhiều trang thiết bị mà ngành đường sắt sử dụng đã hết khấu hao... Chưa hết, chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trong nhiều cuộc họp của ngành đã nhắc nhở ngành đường sắt phải trải thảm đỏ mời khách hàng, không được tỏ thái độ độc quyền.

Miền Tây Nam bộ có một hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt nhưng thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho thấy, chỉ có 5/2.510 bến cảng thủy nội địa trong vùng có khả năng bốc xếp hàng container. Trong khi đó, vận tải bằng container là xu hướng vận tải lớn hiện nay.

Chưa kể, không như các phương tiện vận tải đường bộ có thể đón khách hay hàng hóa “từ cửa đến cửa”, phương tiện vận tải bằng đường sắt, đường thủy chỉ có thể đón và trả khách hay hàng hóa ở bến cảng, nhà ga. Nối giữa bến cảng, nhà ga với nhà của hành khách hay kho của hàng hóa là hệ thống đường bộ. Hiện nay, nhiều bến cảng, nhà ga đã không được hệ thống giao thông đường bộ kết nối hoặc có nhưng không đủ để kết nối. Nói đây là tồn tại của ngành đường sắt, đường thủy cũng đúng mà nói rằng đây là bằng chứng cho thấy ngành đường sắt và đường thủy chưa được quan tâm đúng mức cũng chẳng sai.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục