Dự án và phản biện

Tình trạng ngập nước vào mùa mưa là nỗi bức xúc nhức nhối của TPHCM hàng chục năm nay. Lúc đầu chỉ có vài điểm ngập nặng, về sau tăng đến gần 100 điểm. Trước đây, các điểm ngập có thể xác định được tương đối rõ cả về số lượng lẫn mức độ ngập. Còn bây giờ số liệu ấy rất khác nhau giữa các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu khoa học và thực tế. Ngập lụt do mưa và triều cường ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế và đời sống xã hội của TPHCM. Do đó, ngày 14-3-2008, UBND TPHCM đã quyết định thành lập Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM (SCFC) trực thuộc UBND TP, chuyên lo việc chống ngập.

Với nỗ lực chống ngập trước mắt cũng như lâu dài, TPHCM cũng đã có nhiều chương trình, dự án, trong đó có Dự án cải tạo kênh Ba Bò và đặc biệt là Dự án thoát nước đô thị, mỗi dự án tốn hàng trăm triệu USD. Đó là những dự án lớn, với nhiều dự án nhỏ và hạng mục thành phần, rất phức tạp, đòi hỏi sự chặt chẽ, khoa học từ khâu khảo sát thiết kế, điều hành dự án và thi công từng hạng mục. Chưa kể cùng một thời điểm, TPHCM còn triển khai hàng loạt công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khác, khó tránh việc chồng chéo, cản trở lẫn nhau.

Để thực hiện thành công những dự án xây dựng TPHCM trở nên văn minh, hiện đại và hướng tới tương lai phát triển bền vững, không thể chỉ có công sức của những người trực tiếp thiết kế và triển khai những dự án cụ thể mà đòi hỏi sự đóng góp của cải vật chất và trí tuệ của toàn xã hội.

Từ nhiều năm trước, chính quyền TPHCM đã thấy rõ vai trò của các nhà khoa học trong sự phát triển ấy và đã “đặt hàng” các nhà khoa học tham gia từ các dự án phát triển chung đến các dự án cụ thể. Chính các nhà khoa học tại TPHCM cũng tự nhận lấy trách nhiệm đó. Ngày 18-3-2009, Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM có văn bản số 09-161.CV-HC “xin giao nhiệm vụ phản biện các dự án chống ngập” của TPHCM. Ngày 13-4-2009, UBND TPHCM có văn bản số 2431/VP-CNN truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Tín: “Giao Trung tâm Điều hành chống ngập thành phố mời tham gia phản biện các dự án chống ngập có liên quan chuyên môn của Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý thành phố”. Trong đó, chỉ riêng Ban chủ nhiệm chương trình phản biện của Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM có tới 22 phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của các ngành khoa học liên quan.

Chủ đích của lãnh đạo TPHCM đã rõ. Tâm nguyện của các nhà khoa học cũng đã thể hiện. Song thực tế lại không như mong muốn. Nhân hội thảo bàn về các giải pháp chống ngập tại TPHCM diễn ra hôm qua 26-5 của Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội, bộc bạch: “Khi chúng tôi đến SCFC, họ đón tiếp tỏ ra rất nồng nhiệt, nhưng không được tham gia vào một dự án cụ thể nào, cho nên không thể phản biện được. Trên thực tế, nội dung của cuộc hội thảo cho thấy giữa Dự án thoát nước đô thị mà SCFC đang thực hiện với ý kiến của các nhà khoa học “vênh” nhau quá xa. Nghĩa là, rất nhiều ý kiến phản biện đã không “đến tai” SCFC. Và hậu quả của những dự án này có thể sẽ khôn lường”.

Lắng nghe ý kiến và sửa sai là một đức tính quý. Lãnh đạo thành phố từ lâu đã có ý thức và thực sự cầu thị. Thiết nghĩ, các ban ngành cũng nên như thế.

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục