(SGGP).- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa trình Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2012. 6 tháng đầu năm, tín dụng chỉ ước tăng 0,4% so với đầu năm, thấp hơn khá nhiều so với kỳ vọng.
Nguyên nhân do khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp chưa cải thiện nhiều, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng trong nền kinh tế còn khá cao. Do vậy, tín dụng cả năm 2012 ước tính chỉ tăng khoảng 8% (chỉ bằng 50% so với kế hoạch đề ra là 15% - 17%). Trên cơ sở dự báo này, ước tính nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn cho nền kinh tế năm nay sẽ giảm khoảng 80.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Cụ thể, theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng GDP năm 2012 sẽ chỉ đạt khoảng 5,3% - 5,6% (thấp hơn mức tăng trưởng mục tiêu 6,5% mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra).
Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện nay thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, mặt bằng lãi suất giảm dần, tỷ giá ổn định trong suốt thời gian dài giúp dự trữ ngoại hối tăng 30% so với đầu năm. Cán cân thanh toán quốc tế dự báo thặng dư khoảng 7,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2012 nhờ vào sự cải thiện của cán cân thương mại. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo lạm phát cuối năm sẽ vào khoảng 6%. Trên cơ sở dự báo này, dư địa công cụ lãi suất hiện chỉ còn khoảng 100 điểm cơ bản.
Do đó, theo quan điểm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng trong việc áp dụng công cụ lãi suất. Với việc liên tục điều chỉnh các lãi suất điều hành xuống như vừa qua, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD đã giảm khá nhiều. Nếu giảm nhiều hơn nữa sẽ gây ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị cần giữ nguyên tắc, lượng vốn đầu tư được đưa vào nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm nên trong khoảng 80.000 - 85.000 tỷ đồng/tháng để ổn định kinh tế vĩ mô trung và dài hạn.
B.MINH