Dự hội nghị ngành tài chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phối hợp chính sách tài chính - tiền tệ để gỡ khó cho doanh nghiệp

* Thu ngân sách vượt 16.000 tỷ đồng

* Thu ngân sách vượt 16.000 tỷ đồng

Ngày 30-12, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị toàn quốc ngành tài chính nhằm đánh giá công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014. Đến dự và chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ chính sách tài chính với chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Quyết liệt tăng thu

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, trên cơ sở số thu 9 tháng đầu năm và làm việc với các địa phương, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và trình ra Quốc hội số thu năm 2013 hụt khoảng 25.200 tỷ đồng; nếu loại trừ các khoản ghi thu - ghi chi ngoài dự toán (38.430 tỷ đồng) thì hụt 63.630 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, tổng thu ngân sách (kể cả ghi thu - ghi chi ngoài dự toán) đạt khoảng 99% dự toán (loại trừ số ghi thu - ghi chi, thì thu cân đối đạt khoảng trên 97% dự toán), tăng thêm trên 16.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.

Về kế hoạch thu ngân sách năm 2014, theo ông Nghiệp, sẽ còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp khó; miễn, giảm thuế làm giảm thu khoảng 40.000 tỷ đồng… Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ năm 2014 là thu 782.700 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã giao chỉ tiêu thu phải vượt dự toán như: nội địa phải đạt 539.000 tỷ đồng (tăng 5%), thu xuất nhập khẩu 224.000 tỷ đồng (tăng 3%).

Dù ước tính ban đầu hụt thu nhưng theo ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, kết quả năm 2013, Hà Nội vẫn thu vượt dự toán được giao là 0,3%. Hướng về năm 2014, để đảm bảo thu ngân sách ổn định, lãnh đạo Hà Nội kiến nghị, Chính phủ, Bộ Tài chính cần có chính sách hợp lý hơn trong quy định về hệ số thuê đất sát thực tế hơn, có chính sách cụ thể hơn đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư khi thu ngân sách gặp khó. “Năm 2014 nền kinh tế sẽ còn có những khó khăn nhưng Hà Nội sẽ quyết tâm và hy vọng hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách” - ông Sửu nói.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, tính đến thời điểm này, thu ngân sách trên địa bàn cũng đã đạt được kết quả tích cực khi tổng thu đạt gần 237.320 tỷ đồng, tăng 1% so với dự toán 2013; tiết kiệm chi cũng đạt được trên 607 tỷ đồng.

Dù kinh tế thế giới và trong nước năm 2014 được dự báo còn nhiều khó khăn, song theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng, các cơ chế chính sách ban hành đã đi vào cuộc sống sẽ góp phần phục hồi tăng trưởng, TPHCM sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung, đồng bộ các giải pháp như: giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để tăng thu; tiếp tục đối thoại với các doanh nghiệp để hướng dẫn, tạo điều kiện doanh nghiệp hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi vay chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM; chủ động quản lý, khai thác nguồn thu, chống thất thu, nợ đọng, thanh, kiểm tra chuyên sâu hoạt động chuyển nhượng vốn, quyền thương mại…

Tăng phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ

Lần đầu tiên tới tham dự hội nghị ngành tài chính, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, điều này thể hiện sự hợp tác chặt chẽ của 2 ngành, đặc biệt trong năm 2013 nhằm thực hiện các mục tiêu Chính phủ.

Khẳng định việc để kiềm chế tốt lạm phát năm 2014; phát hành trái phiếu Chính phủ; quản lý giá cả các mặt hàng, phát triển thị trường ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… ông Bình cho biết: “Hai ngành tài chính và ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp không chỉ cơ học mà còn phải nghệ thuật, lúc nào phát hành trái phiếu Chính phủ, đưa tiền ngân sách ra đầu tư, lúc nào bù đắp tín dụng vì nếu làm tốt mới duy trì mặt bằng lãi suất còn nếu không sẽ làm lãi suất tăng lên gây khó cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ, kiềm chế lạm phát”.

Đánh giá và biểu dương cao những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc đạt được kết quả thu, chi ngân sách năm 2013, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đây là điều đáng mừng trong bối cảnh cân đối ngân sách năm 2013 gặp khó khăn và nếu không đảm bảo thu thì chi không thể hoàn thành nhiệm vụ. Việc thu vượt 16.000 tỷ đồng so với con số báo cáo Quốc hội, chi tiết giảm được 22.700 tỷ đồng, trong khi vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo Thủ tướng, ngành tài chính đã có những đóng góp thiết thực kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm vừa qua.

Nhìn nhận về năm 2014, Thủ tướng cho rằng kinh tế thế giới phục hồi nhưng chưa mạnh, kinh tế trong nước chuyển biến nhưng hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, tái cơ cấu đạt kết quả bước đầu, tăng trưởng kinh tế mục tiêu cao hơn nhưng còn thấp, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn nhưng một số lĩnh vực chưa vững chắc... Chính điều này đặt ra cho nước ta, ngành tài chính trách nhiệm nặng nề.

Chính vì vậy, Thủ tướng lưu ý năm 2014 nhiệm vụ quan trọng năm 2014 vẫn là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, không thể chủ quan; kiểm soát lạm phát ở mức 6,5% - 7%: giữ ổn định tỷ giá, đồng Việt Nam có giảm cũng chỉ khoảng 1% - 2% như năm 2013; lãi suất cho vay tương tự như hiện nay… Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5,8% năm 2014 thì ổn định kinh tế vĩ mô đóng vai trò quyết định.

Đề cao sự phối hợp của 2 ngành tài chính - ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu 2 ngành phải phối hợp chặt chẽ hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ để ổn định vĩ mô; đảm bảo an ninh tài chính - tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy phục hồi tăng trưởng. Trong đó, quan trọng nhất là phải phối hợp chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh (như thu đúng, đủ thuế, cho vay lãi suất thấp, giữ ổn định tỷ giá…). Bên cạnh đó, với việc năm 2014 sẽ phát hành khoảng 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu 2 ngành có sự phối hợp để việc phát hành rải đều trong năm nhằm có vốn nhưng không làm mất ổn định vĩ mô, làm lãi suất, tỷ giá tăng.

Thủ tướng cũng yêu cầu 2 ngành cần phối hợp tốt trong quản lý tỷ giá, giá trị đồng tiền, hàng hóa, dịch vụ… Riêng lĩnh vực quản lý nhà nước về giá cả, Thủ tướng yêu cầu phải kiểm soát giá không để dịp tết giá tăng vọt; Bộ Tài chính phải kiên định điều hành giá theo nguyên tắc thị trường, có lộ trình điều chỉnh phù hợp và chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Theo đánh giá của Thủ tướng, giá xăng dầu đã có bước dài theo cơ chế thị trường, không bù giá than bán cho xi măng, giấy. Giá điện kiên quyết tính đúng, đủ và giá bán không thấp hơn giá thành nhưng phải công khai minh bạch và có hỗ trợ cho người nghèo.

Về nhiệm vụ thu - chi ngân sách, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tài chính cùng các địa phương tập trung đạt kế hoạch thu năm 2014 ngay từ đầu năm, tìm mọi cách ngăn trốn, lậu thuế; quản lý chặt, tiết kiệm chi. Riêng trong tái cơ cấu doanh nghiệp, theo Thủ tướng, trọng tâm phải thực hiện là cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao quản trị doanh nghiệp, quản lý tốt vốn nhà nước. Năm 2013, thị trường chứng khoán đã có khởi sắc, kinh tế có bước phục hồi do vậy phải đẩy mạnh việc cổ phần hóa. Việc tái cơ cấu tốt doanh nghiệp nhà nước sẽ góp phần tốt ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục