Có hơn 3.200km bờ biển với nhiều cảng biển nằm dọc đất nước, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển loại hình du lịch tàu biển (DLTB) và có thể trở thành một trong những trung tâm DLTB của khu vực. Tuy nhiên, với những hạn chế trong đầu tư, dịch vụ hạ tầng, VN chưa thể trở thành điểm thu hút khách tàu biển quốc tế mà chỉ mới làm nơi “quá cảnh” cho du khách.
Tiềm năng lớn
Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist - doanh nghiệp (DN) khai thác khách tàu biển số 1 tại VN hiện nay cho biết, tại các hội nghị và triển lãm DLTB 2012 vừa diễn ra, đa số các hãng DLTB đều đánh giá cao tiềm năng DLTB của VN bởi có thế mạnh cảnh quan đẹp, còn giữ được nét tự nhiên, người dân thân thiện, cởi mở. Đặc biệt, VN có nhiều cảng biển quốc tế nằm dọc theo bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam; có sự phong phú, khác biệt của hệ sinh thái, văn hóa ở ba miền.
Theo đánh giá về tình hình phát triển DLTB tại châu Á - Thái Bình Dương, dù chịu tác động của suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự biến động của giá nhiên liệu, việc thực thi quy định SOLAS (về thiết bị, kỹ thuật) kể từ năm 2010… đã ít nhiều tác động đến hoạt động của các hãng tàu trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, ngành DLTB vẫn dự báo lạc quan về tình hình tăng trưởng của thị trường này, theo đến cuối năm 2012 sẽ có thêm 34 tàu khách mới (với hơn 82.000 phòng) tham gia vào đội tàu khách hiện hữu (326 tàu), sự xuất hiện của một số hãng tàu mới, sự đa dạng của sản phẩm và điểm đến… sẽ giúp thu hút ngày càng nhiều khách. Hiện DLTB tại khu vực vẫn đạt sự tăng trưởng cao.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Trưởng phòng Tiếp thị Saigontourist cho biết, các hãng tàu lớn của Mỹ, châu Âu, châu Á đã đưa các tàu khách của họ đến VN. Từ việc chỉ ghé tham quan VN một vài lần trong năm, đến nay một số hãng tàu đã đưa tàu của họ đến theo mùa hay theo định tuyến quanh năm tạo ra nguồn khách DLTB đến VN ngày càng lớn và đa dạng.
DLTB là mảng hoạt động khá thành công và hiệu quả của Saigontourist. Lượng khách cũng như số tàu đến ngày một tăng cao. Năm 2006, Saigontourist đón được 17.000 khách với 35 chuyến tàu, năm 2007 đón 58.000 khách với 62 chuyến tàu; năm 2008, đón hơn 120.000 khách với khoảng 90 chuyến tàu. Năm 2011 phục vụ 115.000 lượt khách. Trong 4 tháng đầu năm 2012, Saigontourist phục vụ 140.320 lượt khách tàu biển, tăng hơn 500% so với cùng kỳ.
Khai thác thô
Khách DLTB được đánh giá là giàu có, chi tiêu nhiều. Hiện nay, VN đã đón được nhiều đoàn khách tàu biển lên đến 4.000 – 5.000 khách và thuyền viên, loại tàu nhỏ khoảng 150-200 khách. Tàu biển đến VN tăng cả về số lượng và thời gian lưu trú, thay vì chỉ một cảng như trước đây, bây giờ đã tăng lên 2 - 3 cảng. Thời gian lưu lại tại mỗi cảng cũng tăng lên 24-48 giờ, thay vì 8-24 giờ. Tuy nhiên, VN chỉ là điểm quá cảnh (Port of Call) của tàu du lịch nước ngoài, chưa thể là điểm trung chuyển khách (Port of Embarkation/Port of Turn-around) như Singapore, Hồng Công, Thượng Hải…
Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du ngoạn Việt – DN cũng khai thác khách DLTB khá mạnh tại VN hiện nay, nhận xét, VN chỉ mới khai thác DLTB ở dạng thô, khách cập cảng lên bờ, đi tham quan vài chỗ, ăn uống, mua một ít quà tặng rồi lên tàu tiếp tục hành trình đến nước khác. VN chưa trở thành điểm giao khách đến, tiễn khách đi như các nước trong khu vực. Nếu trở thành điểm trung chuyển, khách từ các nơi bay đến VN, tham quan VN vài ngày rồi lên tàu đi du lịch và ngược lại thì ngành du lịch mới thu được nhiều hơn.
Thực tế, Singapore, Hồng Công (Trung Quốc) đang sở hữu những sân bay tầm cỡ của thế giới với tần suất bay, chuyến bay dày đặc. Điều này hỗ trợ rất lớn cho phát triển DLTB, để nơi đây trở thành điểm trung chuyển khách tàu biển. Chỉ mới là điểm quá cảnh nên dịch vụ cung ứng lương thực, thực phẩm cho chuyến đi đều được cung cấp từ các nước. Hiện các tàu du lịch đến VN chỉ mới mua được một số loại nước uống tại VN. Thậm chí, khi hết hàng, hàng cũng được đặt từ Thái Lan chở qua VN để chuyển khi tàu cập cảng ở VN. Rõ ràng, nếu trở thành điểm trung chuyển, DLTB sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.
VN hiện chưa có cảng hành khách chuyên dụng tại một số TP cảng phổ biến như TPHCM, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long để đón và phục vụ các đoàn khách DLTB. Chúng ta vẫn đang tạm sử dụng các bến bãi của các cảng hàng hóa để phục vụ hành khách mỗi khi có đoàn tàu khách ghé đến. Do vậy, các hãng tàu gặp không ít khó khăn khi đặt cầu bến cho tàu, hay mỗi khi đưa tàu ra vào cảng. Vì mang tính “chữa cháy” nên các cảng này còn thiếu những tiện ích như nhà hàng, trạm điện thoại, quầy đổi tiền, cửa hàng miễn thuế, nhà vệ sinh… làm cho hành khách cảm thấy bất tiện, không thoải mái.
Qua khảo sát và thăm dò ý kiến của khách DLTB, họ cho biết VN chưa có nhiều trung tâm mua sắm lớn, tầm cỡ như tại Singapore, Hồng Công, Thái Lan với lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm cho du khách khá dồi dào, đa dạng, chất lượng đạt chuẩn. Theo thống kê, số lượng khách quay trở lại VN bằng DLTB chưa nhiều vì nhiều lý do: cơ sở hạ tầng còn kém, các dịch vụ không đồng đều, các điểm tham quan thiếu sự đầu tư đồng bộ, giá cả không cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Mỹ Hạnh