Do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2009 giảm 10% so với năm 2008. Nhưng ngay từ những tháng đầu năm 2010, khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trở lại, đưa Việt Nam vào top những nước có tăng trưởng cao của du lịch thế giới.
Hồi phục nhanh
Liên tục từ đầu năm đến nay, tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam luôn ở mức hai con số. Ngay trong những tháng thấp điểm đón khách quốc tế, du lịch Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng trên 30%. Với mức tăng này, Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hiệp quốc (UNWTO) đánh giá ngành du lịch Việt Nam có sự hồi phục nhanh chóng sau khủng hoảng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng trong tháng 9-2010, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 383.500 lượt, tăng 26% so với cùng kỳ 2009. Tính chung 9 tháng năm 2010, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,73 triệu lượt khách, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2009. Dự kiến, với sự kiện Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10-2010 sẽ tiếp tục tăng trưởng cao.
Hơn nữa, du lịch Việt Nam đang chuẩn bị đón khách quốc tế vào mùa cao điểm trong những tháng cuối năm. Đây là những cơ sở chắc chắn để ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng vào mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2010, so với mục tiêu đón 4,2 triệu khách quốc tế đưa ra trước đó.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, với tăng trưởng ổn định ở mức trên 30% trong những tháng qua, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ đón hơn 5 triệu khách quốc tế trong năm nay. Góp phần không nhỏ vào tăng trưởng này là nhờ vào hiệu quả của công tác xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài.
Với thuận lợi về an ninh chính trị, việc đẩy mạnh liên kết xây dựng ngành du lịch 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia thành một điểm đến hấp dẫn, du lịch Việt Nam sẽ giữ được mức tăng trưởng 2 con số trong năm tới và hướng đến mục tiêu đạt 5,5 triệu khách quốc tế trong năm 2011.
Giữ tăng trưởng bền vững
Việc ngành du lịch Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao ngoài dự kiến là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, mức tăng trưởng “nóng” này chưa hẳn là do hình ảnh du lịch Việt Nam tốt hơn để thu hút khách quốc tế. Trên thực tế, tăng trưởng này có phần đóng góp nhờ vào một số lợi thế khách quan mang lại. Một trong những lợi thế chính là Việt Nam đang giữ chức chủ tịch ASEAN. Lượng khách du lịch MICE (khách hội nghị, hội thảo) theo đó cũng tăng lên.
Trong khi đó, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ bất ổn chính trị, ngành du lịch Thái Lan vẫn có được tăng trưởng 2 con số, với mức tăng trưởng gần 14% trong 7 tháng năm 2010. Theo Bộ Du lịch Thái Lan, năm 2009, ngành du lịch Thái Lan đón khoảng 370.000 khách từ Việt Nam và Việt Nam đón hơn 100.000 khách Thái Lan đến tham quan.
Tính đến tháng 7-2010, đã có 240.000 khách Việt Nam du lịch Thái Lan và Việt Nam cũng đã thu hút 120.000 khách Thái Lan đến du lịch. Ngành du lịch 2 nước đã họp bàn và thống nhất nhiều giải pháp liên kết, đẩy mạnh phát triển du lịch 2 nước và hướng đến mục tiêu đạt 1 triệu du khách vào năm 2015 (tổng lượng khách 2 nước).
Hiện Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN về đón khách quốc tế sau Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia. Và Việt Nam đang đặt mục tiêu qua mặt Indonesia để vươn lên vị trí thứ 4.
Top 10 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam trong những tháng qua dẫn đầu là khách từ Trung Quốc, tiếp đến là khách từ các nước ASEAN. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi tháng có khoảng 65.000 - 90.000 lượt khách Trung Quốc đến du lịch Việt Nam, phần lớn là ở các điểm du lịch phía Bắc. Thị trường khách Trung Quốc được xem là một thị trường tiềm năng đang được các nước trong ASEAN nhắm đến. Tuy nhiên, theo các công ty du lịch Việt Nam, giá trị mang lại trong khai thác của thị trường này chưa cao vì hiện nay phần lớn các doanh nghiệp khai thác tour giá rẻ, khách đến Việt Nam trong thời gian ngắn. |
MỸ HẠNH