Việc sụt giảm một lượng khách từ thị trường nói tiếng Hoa trong thời gian gần đây không có tác động lớn đến ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, đối với những địa phương, doanh nghiệp (DN) du lịch chú trọng khai thác thị trường này thì khách du lịch nội địa đang trở thành “cứu cánh” để bù vào khoảng trống sụt giảm.
Thấm đòn cạnh tranh
Phó Tổng Giám đốc một DN du lịch lớn tại TPHCM chia sẻ, DN vừa tổ chức chương trình tour cho 1.600 người của một công ty, DN phải huy động hơn 40 chiếc xe loại 45 chỗ cùng lực lượng nhân viên để phục vụ, nhưng mức lợi nhuận DN thu được từ chương trình này chỉ được 30 - 40 triệu đồng. Một khoản lãi quá thấp nhưng DN buộc phải làm trong cuộc cạnh tranh khốc liệt tại thị trường nội địa hiện nay.
Với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài trong 3 năm qua, các DN du lịch trong nước đã thấm đòn khủng hoảng, đã biết dựa vào nhau mà sống thay vì mạnh ai nấy làm như trước đây. Tuy nhiên, sự nỗ lực này mang tính chủ động của các DN nhiều hơn, vai trò điều phối của cơ quan đầu ngành vẫn còn rất mờ nhạt.
Tại TPHCM, từ năm 2009, Hiệp hội Du lịch TPHCM (HTA), Sở VH-TT-DL TPHCM đã tiên phong kết hợp cùng Vietnam Airlines (VNA) khu vực miền Nam, cùng các địa phương có điểm đến, xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa, giảm giá dịch vụ, VNA giảm sâu giá vé máy bay đến 70% để DN lữ hành xây dựng giá tour trọn gói giảm 20% - 35% so với trước.
Sự liên kết này mang lại hiệu quả tích cực, tăng dần theo từng năm, ngày càng có nhiều du khách mua được tour kích cầu giảm giá. Giá tour du lịch trong nước đã rẻ hơn, thu hẹp dần khoảng cách so với nhiều tour đi du lịch nước ngoài đến một số nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia.
Tuy nhiên, ngành du lịch của các nước trên cũng đang chạy đua trong cuộc cạnh tranh giảm giá, giá tour đến những nước này tiếp tục giảm mạnh cùng với chương trình xúc tiến, quảng bá rất bài bản. Tour trong nước đã rẻ, tour nước ngoài càng rẻ hơn! Du lịch Việt Nam lại bị động và hụt hơi trong cuộc cạnh tranh này.
Tại thời điểm hiện nay, đang trong mùa du lịch hè - mùa du lịch chính của Việt Nam, tour trọn gói Thái Lan được chào bán chỉ có 5,99 triệu đồng/khách (tương đương với giá tour đường bay từ TPHCM đến miền Trung), tour Campuchia 3 ngày được chào bán chỉ 2,8 triệu đồng/người (tương đương tour TPHCM đi Phan Thiết, Nha Trang).
Người Việt Nam sẽ đi du lịch trong nước nhiều hơn với điều kiện giá tour phải rẻ, dịch vụ tốt. Du lịch Việt Nam phải có được câu trả lời này cho lời kêu gọi “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Nhiều công ty du lịch tại TPHCM chia sẻ, khi thị trường khách nói tiếng Hoa sụt giảm thì các địa phương, DN dịch vụ du lịch ở một số tỉnh phía Bắc - nơi chịu tác động nhiều hơn đã bắt đầu “xuống nước”, hợp tác, giảm giá nhiều hơn để hút khách du lịch từ phía Nam.
Các công ty lữ hành hy vọng đây không phải là giải pháp chữa cháy tạm thời của các địa phương, DN phía Bắc mà là một kinh nghiệm xương máu cho bài toán kinh doanh du lịch. Theo HTA, các địa phương và DN du lịch tại khu vực miền Trung đã kết hợp rất tốt cho chương trình kích cầu, nhờ vậy lượng khách tour kích cầu đến miền Trung tăng mạnh trong thời gian qua.
Chủ động tìm khách hàng
Chưa khi nào ngành du lịch Việt Nam lại đón tiếp nhiều đoàn báo chí quốc tế (presstrip) đến Việt Nam để khảo sát, quảng bá du lịch như tại thời điểm này. Đây được xem là một chiến dịch để xử lý khủng hoảng sụt giảm khách quốc tế của du lịch Việt Nam. Điều này cho thấy, du lịch Việt Nam bắt đầu xử lý chuyên nghiệp hơn trong công tác xúc tiến, quảng bá.
Không cần học hỏi đâu xa, nhìn cách xử lý khủng hoảng của ngành du lịch Thái Lan mới thấy họ chuyên nghiệp đến cỡ nào. Liên tục trong những năm gần đây, du lịch Thái Lan luôn gặp vấn đề khủng hoảng, hết lũ lụt, đến bất ổn chính trị kéo dài… Dù thị trường khách du lịch Việt Nam chưa nằm trong top 10 thị trường khách quốc tế dẫn đầu của du lịch Thái Lan nhưng hàng năm, hàng quí, ngành du lịch Thái Lan đều xây dựng chương trình quảng bá rất bài bản cho thị trường Việt Nam.
Sau mỗi đợt khủng hoảng, trước tình trạng sụt giảm khách du lịch, ngành du lịch Thái Lan ngay lập tức mời các đoàn presstrip vào khảo sát, để khẳng định Thái Lan đã sẵn sàng đón khách du lịch trở lại, kèm theo đó là chiến dịch giảm giá sâu để thu hút khách trở lại.
Hàng tuần, thậm chí là mỗi ngày, Tổng cục Du lịch Thái Lan đều gửi tất cả các thông tin, chương trình hành động, xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch Thái đến mail của từng phóng viên phụ trách du lịch ở các cơ quan báo chí ở nước ngoài. Nhờ vậy, dù gặp khủng hoảng nhưng khách du lịch đến Thái Lan vẫn tăng trưởng cao.
Còn ngành du lịch Việt Nam thì sao? Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh quảng bá nhưng hiện tại vẫn là kích cầu chung chung. Ngành du lịch phải xây dựng chương trình hành động, chiến dịch rõ ràng cho toàn ngành. Có như vậy thì mới tạo được điểm nhấn thực sự cho du lịch Việt Nam, để có thể đạt được mục tiêu thu hút 8 - 8,5 triệu khách quốc tế trong năm 2014.
MỸ HẠNH