Du lịch Xứ Dừa - “Nàng công chúa” đang thức giấc

Du lịch Xứ Dừa - “Nàng công chúa” đang thức giấc

Bến Tre là vùng đất cù lao lắm sông nhiều rạch, bạt ngàn cồn bãi, khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Du lịch Bến Tre đang được ví như “nàng công chúa” ngủ lâu ngày được đánh thức bởi cầu Rạch Miễu.

Điểm đến hấp dẫn

Đến Bến Tre lần đầu tiên, cảm giác của người phương xa là thấy gần gũi bởi mảnh đất hiền hòa và đậm nghĩa tình. Vùng đất được mệnh danh “Xứ Dừa” bởi 44.000ha dừa và công nghiệp khai thác cây dừa tự nó đã tạo ra nét độc đáo. Nét độc đáo thứ hai là “vương quốc” cây ăn trái Chợ Lách với màu xanh ngút ngàn, trái ngọt trĩu cành.

Du khách nước ngoài tham quan sông rạch Bến Tre.
Du khách nước ngoài tham quan sông rạch Bến Tre.

Với khách phương xa, Bến Tre là vùng đất có chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa đủ sức hấp dẫn. Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu ở xã An Đức, huyện Ba Tri là di tích lịch sử văn hóa. Nhà thơ yêu nước tuy không sinh ra trên mảnh đất này, nhưng ông chọn nơi đây để sinh sống, dạy học, làm thơ, bốc thuốc trị bệnh cho dân trong khoảng thời gian dài cuối đời.

Đến Bến Tre, du khách còn có dịp để tìm hiểu về những danh nhân văn hóa – lịch sử quan trọng của Nam kỳ như nhà giáo Võ Trường Toản, cử nhân Phan Văn Trị, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, nữ tướng Nguyễn Thị Định...

Ngoài ra, đình làng ở Bến Tre cũng là nơi để du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Toàn tỉnh có 207 ngôi đình, nhưng nổi bật hơn cả là đình Phú Tự (ngoại ô thị xã) với cây bạch mai cổ thụ độc nhất vô nhị, trên 300 năm tuổi vẫn còn xanh tốt; đình Bình Hòa (Giồng Trôm), đình Phú Lễ (Ba Tri- chứng tích tố cáo chế độ Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam theo Luật 10/59). Bến Tre còn có ngôi nhà cổ ở xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú) có niên đại trên 100 năm, xây cất theo kiểu hình chữ Nhất - trang trí bằng hoa văn chạm trổ khéo léo bởi những bàn tay nghệ nhân điêu luyện.

Cồn (cù lao) ở Bến Tre có sức quyến rũ rất lạ kỳ. Trải mình trên 4 nhánh sông Cửu Long, cồn là đặc trưng của miệt vườn Bến Tre. Cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Tàu, cồn Đất, cồn Lợi... Mỗi nơi đều có nét riêng, gắn với tên gọi của mình, chứa đựng nhiều bí ẩn chưa được khám phá.

Đến với các cù lao của Bến Tre, du khách sẽ có cảm nhận, là ở đâu cũng đều phủ kín một màu xanh của rừng dừa xen lẫn với những vườn đủ loại cây trái như: măng cụt, sầu riêng, chuối, nhãn, chôm chôm, bòn bon... và được chiêm ngưỡng những vườn cây cảnh tuyệt đẹp từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xứ dừa.

Tạo thế bứt phá     

Ai cũng nói du lịch Bến Tre có tiềm năng và thế mạnh rất lớn so với các địa phương khác trong vùng, nhưng suốt một thời gian dài, ngành du lịch Xứ Dừa vẫn chưa thật sự hấp dẫn du khách.

Bến Tre hiện có 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành với 39 điểm du lịch, 37 cơ sở lưu trú du lịch với 614 phòng nghỉ, trong đó có một khách sạn 3 sao (khách sạn Hàm Luông). Từ đầu năm cho đến nay, lượng khách du lịch đến Bến Tre đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt khoảng 213.000 du khách, trong đó có gần 70.780 lượt khách quốc tế.

Do lượng khách đến Bến Tre ngày càng tăng nên nhiều doanh nghiệp và cơ sở tư nhân mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch như: Công ty cổ phần Thủy sản Ba Lai đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng ở Thừa Đức (huyện Bình Đại); điểm du lịch Phong Phú 3, hiện đang tiến hành xây dựng cầu phà đón khách; điểm du lịch Phú Bình (huyện Chợ Lách) đang thi công hệ thống giao thông. Công ty Phước Kiển – TPHCM cũng đang đề nghị tỉnh tiếp tục cho chủ trương xây dựng khu nghỉ dưỡng tại xã Phú Túc, xây dựng khu thương mại – dịch vụ - du lịch và khu tái định cư An Phú (huyện Châu Thành); Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Vinashin xin đầu tư xây dựng khách sạn – nhà hàng nổi trên sông... Ngoài ra còn có Công ty Du lịch Long Hải và Công ty TNHH Đồng Khởi đã đến khảo sát đầu tư điểm du lịch cồn Quy và khu du lịch biển Thới Thuận (huyện Bình Đại).

Khách đến Bến Tre rồi đi, hoặc ít khi lưu trú bởi hạ tầng còn thiếu thốn, hệ thống đường giao thông chưa hoàn chỉnh, thiếu nước sạch, thiếu “điểm nhấn”. Đó là chưa kể nguồn nhân lực cho du lịch còn hạn chế. Trong đó, hướng dẫn viên còn yếu kém cả số lượng và năng lực.

Một du khách cho biết: “Khi đến Khu lưu niệm Đồng Khởi thấy trong tủ có để mấy chiếc nón ghi rõ dòng chữ “Khu lưu niệm Đồng Khởi” trên nón, khách hỏi mua không bán, xin để làm kỷ niệm cũng không cho”; hay khi đến Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu, có sách trưng bày trong tủ, khách hỏi mua cũng không có để bán. Ít nhiều những điều đó đã làm du khách nản lòng.

Ông Juan Ovejero Dohn, Tư vấn trưởng của Ban Điều hành Dự án phát triển du lịch Mekong nhận xét: “Bến Tre có nhiều tiềm năng, lợi thế du lịch, một số điểm khác biệt so với các tỉnh bạn cần được tận dụng khai thác có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, muốn phát triển nhanh cần có sự đầu tư nhiều hơn của tỉnh, sự phối hợp giữa các tỉnh và Tổng cục Du lịch Việt Nam”.

Để khai thác tốt lợi thế từ khi có cầu Rạch Miễu, tại kỳ họp 12-2007, HĐND tỉnh Bến Tre đã thống nhất thông qua “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. Việc phát triển du lịch Bến Tre phải đặt trong mối quan hệ liên kết với TPHCM và các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL, đặc biệt là mối quan hệ với 2 TP trực thuộc trung ương là TPHCM và Cần Thơ, nhằm tạo thị trường khách du lịch bền vững.

HĐND tỉnh thống nhất đề ra nhiệm vụ trước mắt là căn cứ vào quy hoạch tổng thể để xây dựng các dự án cụ thể và kế hoạch thực hiện hàng năm, trong đó cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ngành du lịch, ưu tiên triển khai thực hiện các dự án giao thông, bưu chính viễn thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, môi trường tạo động lực cho du lịch Bến Tre phát triển.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục