Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12-5 đã chỉ trích việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 và triển khai nhiều tàu tại biển Đông là hành động khiêu khích. Đồng thời, các học giả, chuyên gia quốc tế tiếp tục phản đối vụ việc này.
Giới ngoại giao, học giả lên án hành vi khiêu khích
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra chỉ trích trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ông Kerry nhấn mạnh Mỹ “vô cùng quan ngại” về những diễn biến gần đây trên biển Đông. Hãng AP dẫn lời ông J.Kerry cho biết, Washington và các nước quan ngại sâu sắc về hành động “hung hăng” của Trung Quốc ở biển Đông.
Trước đó, tờ The Diplomat số ra ngày 12-5 đăng bài phân tích của GS Carl Thayer - chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nhận định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong lô 143 thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam là bất ngờ, khiêu khích và bất hợp pháp. Theo GS Carl Thayer, sự việc này đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đặt một giàn khoan dầu trong vùng EEZ của nước khác mà không có sự cho phép từ trước. Đây là một động thái bất ngờ vì mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đã nằm trên quỹ đạo đi lên kể từ sau chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 10 năm ngoái. Vào thời điểm đó, cả hai bên cho biết đã đạt được thỏa thuận để tiếp tục thảo luận về các vấn đề hàng hải. Động thái của Trung Quốc cũng bất ngờ vì Việt Nam đã không có bất kỳ hành động khiêu khích nào để có thể dẫn đến hành động chưa từng có của Trung Quốc.
Việc triển khai giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc là khiêu khích vì kèm theo giàn khoan là 80 tàu, trong đó có 7 tàu chiến của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Khi Việt Nam cử tàu cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền tài phán của mình, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách ra lệnh cho đội tàu sử dụng vòi rồng và cố ý đâm tàu Việt Nam. Những hành động này không chỉ rất nguy hiểm, mà còn gây thương tích cho thủy thủ đoàn Việt Nam. GS Carl Thayer khẳng định rằng hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế.
Người Trung Quốc nghi ngờ
Trong khi giới chức Trung Quốc ngụy biện rằng giàn khoan của họ chỉ là hoạt động bình thường, thì trên mạng xã hội và báo chí, một số học giả Trung Quốc tỏ ý nghi ngờ.
Giám đốc Trung tâm Quan hệ xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Công, ông David Zweig, cho rằng quan điểm cứng rắn của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào hoạt động trái phép ở vùng biển Việt Nam có thể khiến các mục tiêu ngoại giao của Bắc Kinh tại khu vực bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm. Ông David Zweig cho rằng, nếu Trung Quốc không thể hợp tác với Việt Nam sau khi hai nước đã có thỏa thuận song phương (về giải quyết các vấn đề trên biển), vậy thì Trung Quốc sẽ thuyết phục các nước khác như thế nào để họ đồng ý về các thỏa thuận song phương với Trung Quốc?
South China Morning Post, Hồng Công, dẫn lời Phó giáo sư Vi Dân, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Đại học Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc sẽ là “nạn nhân lớn nhất” nếu như vụ giàn khoan Hải Dương-981 không được giải quyết sớm. “Nếu không giải quyết sớm, thì bất kể lời giải thích nào mà chính phủ Trung Quốc đưa ra cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Uy tín và lòng tin với chính phủ Trung Quốc sẽ bị suy giảm mạnh mẽ, làm tồi tệ hơn nữa tình hình bất ổn tại biển Đông”, ông Vi Dân nói. Báo này trước đó cũng đăng bài bình luận của PGS Mike Rowse thuộc Đại học Trung văn Hồng Công cho rằng, lập trường của Trung Quốc không có chỗ đứng trong dư luận quốc tế và Bắc Kinh nên cân nhắc lại về tuyên bố đường lưỡi bò.
Trong bài viết mới nhất trên blog cá nhân, học giả Lý Lệnh Hoa, nhà nghiên cứu Trung Quốc về biển và luật biển, một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của việc giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, ông Lý đã có một loạt các bài viết thẳng thắn, khách quan, yêu cầu chính phủ nước này tuân thủ theo Công ước, cần tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển.
VIỆT ANH (tổng hợp)
- Công bố bộ Atlas thế giới khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
- Công nhân tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam
- Tàu Trung Quốc tiếp tục gây hấn đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam