Đủ số cho đẹp!

Những nhà quản lý bóng đá Việt Nam hình như chưa hiểu rằng tình hình kinh tế - xã hội đang rất khó khăn, nguồn tiền đầu tư vào bóng đá dù đến từ đâu đi nữa cũng rất khó tìm và dễ dẫn đến sự lãng phí không đáng có nếu sử dụng không hiệu quả. Điều này có thể tính trước để lượng định một kịch bản xấu cho mùa giải 2013 khi nhiều đội bóng có thể không thi đấu.

Ấy vậy mà những nhà tổ chức vẫn cố tìm phương án làm sao để V-League 2013 có đủ 14 đội cho… dễ bốc thăm thi đấu trong khi trên thực tế, hiện chỉ có 10/14 đội đăng ký tham gia. Những đội còn lại có nguy cơ tự xóa sổ. Chưa hết, 10 đội cũng chỉ mới đăng ký chứ không ít đội vẫn đang trong quá trình “chạy tiền” để vận hành đội bóng. Phải thấy rằng, dù có tiết kiệm chi phí mua sắm cầu thủ đi nữa thì các khoản lương, thưởng, tổ chức và di chuyển đều không giảm nếu không nói sẽ còn tăng lên bao nhiêu trong vài tháng tới với mặt bằng giá cả hiện nay.

Nói như vậy để thấy, con số 14 đội “cho đẹp” là phi thực tế. Điều đáng tiếc là cách đây không lâu, các nhà tổ chức đã phản ứng với đề xuất ngừng mùa giải mới bằng quan điểm “còn bao nhiêu, đá bấy nhiêu”. Và nay cũng chính họ lại sẵn sàng hy sinh chất lượng của giải đấu để tìm đủ 14 đội cho dễ xếp lịch thi đấu.

Ai cũng thấy, vấn đề ở đây không phải là con số. Bóng đá Việt Nam hiện chỉ đơn thuần làm “nhiệm vụ” tiêu tiền và làm quảng bá cho các doanh nghiệp chứ chưa hề tự nuôi sống chính mình. Ở thời điểm khó khăn về kinh tế, đổ tiền vào bóng đá cần phải tính toán kỹ. Lẽ ra nhân dịp này, các nhà quản lý bóng đá nên tính đến phương án siết chặt các quy định về tài chính và cơ cấu đầu tư vào bóng đá, qua đó, CLB nào có ngân sách mạnh, dòng tiền hợp lý và kế hoạch kinh doanh tốt thì cho phép thi đấu. Bởi lẽ chỉ có những CLB như vậy mới đủ đam mê và tâm huyết phát triển bóng đá. Trên cơ sở đó, chúng ta chấp nhận số lượng đội không phải là 14 mà chỉ là 10, thậm chí là 8, là 6 cũng sẵn sàng tổ chức thi đấu bằng các thể thức phù hợp. Một cơ hội quá tốt giúp nhà quản lý sàng lọc một cách tự nhiên như thế mà lại không quyết liệt làm?!

Vì lẽ đó, dư luận tỏ ra thất vọng với những động thái mới nhất của các nhà quản lý. Họ vẫn cố đợi cho đủ số lượng đội mà không hề đưa ra bất kỳ tiêu chí mới mẻ nào cho các đội bóng tham gia. Họ can thiệp sâu vào nội bộ của các CLB bằng những quy định trái khoáy như “đến 25 tuổi mới chuyển nhượng”, hoặc “phải cho ra sân 1 cầu thủ U.21” hay như “giới hạn mức lương trần cầu thủ”… Trong khi đó, điều này lẽ ra các CLB phải tự điều chỉnh dựa trên năng lực tài chính và khả năng đầu tư của mình. VFF hay Công ty VPF chỉ cần giám sát thật kỹ hoạt động tài chính của các CLB là đủ.

Một lần nữa, dư luận tỏ ra thất vọng với cách điều hành theo kiểu “gọt chân cho vừa giày” của những nhà quản lý bóng đá Việt Nam. Khó khăn kinh tế - xã hội chắc chắn tác động đến mọi mặt của đời sống và những lĩnh vực nặng tính giải trí, tiêu tiền như bóng đá cần tiên phong giải quyết các bất cập nội tại để trả bóng đá về giá trị thật của nó, để đáp ứng mục tiêu là món ăn tinh thần lành mạnh trong đời sống xã hội. 

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục