(SGGPO).- Bàn về dự án Luật Tiếp cận thông tin tại phiên họp sáng nay, 12-8, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, quy định như dự thảo luật là còn khá “chật hẹp”.
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị: “Có thể và nên mở rộng đối tượng và phạm vi cung cấp thông tin”. Theo bà Trương Thị Mai, nhu cầu về thông tin của người dân vô cùng đa dạng, dự thảo không nên chia cắt các loại cơ quan được phép cung cấp thông tin. Có những thông tin Đoàn Đại biểu Quốc hội có, tại sao lại cứ phải Văn phòng Quốc hội mới được cung cấp?
Người đứng đầu Ủy ban về Các vấn đề xã hội còn nhấn mạnh: “Dứt khoát phải rà soát để đưa ra danh mục những loại thông tin không cung cấp được, bớt đi sự mơ hồ, đồng thời tăng cường tính trách nhiệm của các cơ quan tổ chức với người dân. Mặt khác, nên tính kỹ loại thông tin gì thì phải thu phí, loại nào không; chứ “bắt” người dân phải trả phí trước rồi mới cung cấp thông tin thì nghe chừng tinh thần phục vụ hơi… yếu”.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho rằng cần phải làm rõ những trường hợp nào thông tin được cung cấp miễn phí, trường hợp nào phải trả phí, cách tính phí như thế nào… “Thậm chí đến mức nào mới phải trả phí, không khéo chi phí hành thu còn cao hơn mức phí thu được”, ông Phùng Quốc Hiển nhận xét. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng lưu ý thêm, chi phí để thực hiện luật này cũng rất đáng kể, cần được tính toán, báo cáo với Quốc hội.
Nhìn nhận việc có được thông tin là rất thiết yếu cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt vấn đề: “Đối tượng được tiếp cận thông tin có thể là pháp nhân chứ không chỉ thể nhân. Những người nước ngoài tuy không phải công dân Việt Nam nhưng làm ăn sinh sống ở Việt Nam thì sao? Thậm chí ngay cả các phạm nhân đang chịu án, bị tạm giam… cũng nên cho phép họ tiếp cận thông tin, dù có thể có giới hạn”.
Khái niệm “thông tin”, theo ông Ksor Phước, cũng không chỉ là các bản in, hình ảnh, file ghi âm… như dự thảo; mà còn bao gồm cả các hiện vật, do đó cần xem xét, quy định chính xác hơn trong Luật.
| |
ANH PHƯƠNG