(SGGP). – Ngày 15-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến góp ý dự án Luật Việc làm. Dự thảo Luật Việc làm gồm 9 chương, 112 điều, quy định về 7 nhóm vấn đề lớn như: phát triển việc làm, thông tin thị trường lao động, quản lý lực lượng lao động, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, tuyển và đăng ký sử dụng lao động, bảo hiểm việc làm, lao động nước ngoài tại Việt Nam và lao động Việt Nam ở nước ngoài…
Tại buổi góp ý, hầu hết các đại biểu đều tập trung phân tích các bất cập, chồng chéo và thiếu khả thi của dự thảo Luật Việc làm. Các vấn đề dự thảo Luật Việc làm cũng đã được nêu rõ trong các luật khác dẫn đến chồng chéo. Cụ thể, về dạy nghề đã có Luật Dạy nghề; trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm đã được quy định tại Luật BHXH; về lao động Việt Nam ở nước ngoài đã có Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng đã được nêu rõ trong Bộ luật Lao động…
Trong dự thảo Luật Việc làm còn đề xuất thành lập Quỹ việc làm do Bộ LĐTB-XH quản lý và mỗi người lao động sẽ có thêm một sổ việc làm (ngoài sổ BHXH). Theo các đại biểu, việc thành lập thêm quỹ này không khác gì quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang thực hiện nên không nhất thiết phải lập thêm quỹ việc làm. Mặt khác không nhất thiết bắt buộc trẻ em 15 tuổi đi đăng ký lao động…
Đồng chí Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng, dự thảo Luật Việc làm đưa ra nhiều điều khoản bất cập, chồng chéo so với các luật khác; bất cập so với thực tế và đặt ra nhiều quy định thiếu khả thi. Người lao động và doanh nghiệp khi có luật thấy mệt và rắc rối thêm nên dự án Luật Việc làm chưa đạt, cần phải xem xét thêm.
H.THU