Đưa chuyên gia tư vấn học đường đến học sinh của 20 trường phổ thông tại TPHCM

Sáng 15-11, tại Trường THPT Marie Curie (quận 3), chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học" do Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng phối hợp với Báo Tiền Phong và một số đơn vị liên quan tổ chức đã được giới thiệu cho học sinh và giáo viên.

Trong năm học 2023 - 2024, chương trình sẽ đưa các chuyên gia tâm lý đến 20 trường THCS và THPT trên địa bàn TPHCM để chia sẻ, giao lưu, giải đáp thắc mắc của học sinh các vấn đề về ứng xử văn hóa và tâm lý học đường.

Cụ thể, chương trình gồm nhiều chủ đề như: ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo và ngăn chặn bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh, giảm stress trong học tập, định hướng nghề nghiệp phù hợp…

Thông qua các buổi tư vấn, học sinh được cung cấp thêm kiến thức và kỹ năng để tự tin giải quyết các vấn đề khó khăn đang gặp phải, từ đó có kế hoạch học tập hiệu quả.

Chia sẻ tại lễ ra mắt chương trình, ThS. Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8), cho biết, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh chưa tự tin nhờ sự trợ giúp về tâm lý từ thầy cô của mình, ngại tìm đến phòng tư vấn tâm lý học đường.

"Ở độ tuổi trung học, học sinh thường có nhiều câu hỏi “tại sao?”, băn khoăn nhưng không dám chia sẻ với ai vì sợ khi chia sẻ sẽ có nhiều người biết, nỗi lòng của mình không được đồng cảm", cô Lê Thị Hồng Anh cho biết.

ThS. Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8) trao đổi tại chương trình giao lưu

ThS. Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8) trao đổi tại chương trình giao lưu

Do đó, khi gặp khó khăn, các em không tìm người hỗ trợ, chia sẻ mà có xu hướng tự mình giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hay các vấn đề trầm trọng hơn.

Theo ý kiến các chuyên gia, để công tác tư vấn tâm lý học đường đến gần hơn với học sinh, sự phối hợp giữa ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý hết sức cần thiết.

Cùng với đó, cần có hành lang pháp lý rõ ràng và sự vào cuộc, đồng hành của nhiều cơ quan liên quan, tăng cường chính sách hỗ trợ cho công tác tư vấn tâm lý để hoạt động có chiều sâu và mang lại hiệu quả.

Theo TS. Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TPHCM, tình trạng học sinh “mất kết nối” với gia đình, nhà trường… xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này dễ dẫn đến các rối loạn về cảm xúc, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Do đó, xã hội, thầy cô và cha mẹ và học sinh cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe tinh thần của các em.

Phó chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Anh Thắng cho rằng, hiện nay, vấn đề liên quan đến trẻ em đang được xã hội rất quan tâm, dễ tạo những phản ứng trái chiều trên cả không gian mạng lẫn đời thực. Vì vậy, cần truyền thông thật tốt để định hình tâm lý cho trẻ em, đặc biệt là trong môi trường học đường.

Ông Phạm Anh Thắng, Phó chánh Văn phòng, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TPHCM phát biểu tại chương trình
Ông Phạm Anh Thắng, Phó chánh Văn phòng, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TPHCM phát biểu tại chương trình

"Hiện cả nước có gần 27 triệu trẻ em, trong đó có nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt. Tôi mong muốn bên cạnh chăm lo tâm lý học đường, các cơ quan, đoàn thể cần quan tâm hơn đến tâm lý trẻ em yếu thế, khuyết tật", ông Phạm Anh Thắng cho biết.

"Riêng đối với các trường học, cần tăng cường phòng chống bạo lực học đường, các vấn đề về xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích”, Phó chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục