Đứa con nuôi của 396

Đứa con nuôi của 396

Hơn một năm qua, chuyện gia đình Y Bảo ở làng Kon Gul, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà (Kon Tum) - mất cha, mất mẹ, 3 anh em côi cút được các chú bộ đội nhận làm con nuôi, cho học được nhiều cái chữ, con số - vẫn lan truyền mãi… Như một chuyện cổ tích ở vùng sâu, hoang hóa này.

Chuyện về đứa con nuôi

Đứa con nuôi của 396 ảnh 1

A Ma dạy chữ cho bé Y Bảo

Một đêm khuya trời mưa và gió rít lạnh qua từng khung cửa sổ. Cán bộ chiến sĩ đội công tác cơ sở 396 đang chìm trong giấc ngủ, bỗng nghe lũ trẻ nhỏ cuối làng khóc ré lên… Biết có chuyện chẳng lành, trung tá Nguyễn Quang Vinh - Đội trưởng - tung mền và gọi 3 cán bộ trong đội đến “hiện trường” xem sự thể ra sao.

Vừa đến đầu làng Kon Gul thì gặp thôn phó A Hinh, cả 5 người cùng tìm đến nơi mà tiếng trẻ nhỏ đang khóc. Trong ngôi nhà tranh nhỏ, một ngọn đèn dầu le lói hắt lên những tia sáng yếu ớt, chỉ đủ để các anh nhìn thấy 3 đứa trẻ ăn mặc rách rưới đang nằm lăn và khóc bên xác một phụ nữ bất động.

Cha mẹ của 3 cháu là A Hol và Y Ban đã ở đây hơn 10 năm. Kinh tế gia đình rất khó khăn. A Buôn lên 13, Y Ý lên 11 còn Y Bảo đã 8 tuổi, nhưng tất cả đều không được đi học. Cuộc sống đã khốn khó lại càng khổ cực hơn, khi anh A Hol lâm bệnh.

Thầy mo bảo phải làm 2 con heo cúng Yang (thần) thì bệnh mới lành… Chị Y Ban đã bán tất cả những gì trong nhà có thể bán được và đi vay mượn hơn 3 triệu đồng để mua heo cúng Yang, nhưng bệnh anh A Hol ngày càng trầm trọng và đến cuối năm 2002 thì qua đời. Nợ nần chồng chất, 3 cháu nhỏ phải lang thang theo mẹ lúc lên rừng hái măng, tìm củ; lúc xuống suối bắt cá, mò cua. Đến ngày 20-5-2006, chị cũng bị bệnh và qua đời…

Sau khi giúp 3 cháu nhỏ làm đám tang cho mẹ xong, anh em trong Đội công tác 396 thống nhất “làm lễ” để xin bà con họ hàng và dân làng được nhận cháu Y Bảo về “làm con nuôi”.

Y Bảo đi học và chuyện hy hữu ở Kon Gul

Còn già làng Kon Gul không giấu được niềm vui: “ Sinh một cháu nhỏ đã khó, nhưng cứu sống và nuôi một đứa bé lại càng khó hơn… Bộ đội Cụ Hồ nhận nuôi cháu bé như vậy là như ông thần ở vùng rừng núi này rồi, mai sau nó lớn chắc sẽ làm được nhiều việc tốt cho dân làng và cho tổ quốc”

Cháu Y Bảo về “làm con nuôi” của Đội công tác 396. Cái khó lúc này là “những người cha” bộ đội liên tục xa gia đình nên chưa quen với cảnh “gà trống nuôi con”, lại thêm đứa con nuôi vốn tiếng Kinh chỉ bập bẹ và chưa biết bất kỳ chữ cái nào… Thế là các anh vừa chăm sóc cháu Y Bảo, vừa tập cho cháu cách ăn bằng muỗng đũa và bắt đầu mua sách vở về dạy “cái chữ, con số”.

Trung tá Nguyễn Quang Vinh cho biết: Những ngày đầu thật khó khăn, học chữ đối với Y Bảo là một “cực hình”. Nhưng được các chú động viên, chỉ bảo tận tình nên Y Bảo cũng sớm “giác ngộ”, sau khoảng 10 ngày cháu đã học rất tốt, viết chữ đẹp, làm được toán cộng, trừ, nhân, chia… Năm học 2007 – 2008, Y Bảo bỏ qua chương trình lớp 1, 2 mà vào thẳng lớp 3 cùng các bạn trang lứa. Đây cũng là chuyện hy hữu về học tập ở vùng đất này.

 “Các chú bộ đội đã sinh ra cháu lần thứ 2 trong cuộc đời này. Đã từ lâu cháu quen gọi các chú là A Ma (cha), làm con của bộ đội cháu được nhiều quà lắm, nhiều quần áo mới nữa”, Y Bảo vừa nói vừa chỉ tay về đầu tủ khoe với chúng tôi. Cháu còn cho biết thêm, học ở trường cô giáo khen cháu viết chữ đẹp, học tiến bộ lại làm toán vừa nhanh vừa đúng, cô giáo thưởng điểm 10 liên tục. “Công lao của A Ma đó!…”. Nói rồi Y Bảo cười vui, cúi chào khách và xin  phép A Ma ra ngoài chơi.

Lê Quang Hồi

Tin cùng chuyên mục