Đưa lễ hội trở về nguồn cội

Xuân Quý Tỵ đang tưng bừng với hội lễ khắp mọi  miền. Sự thành kính dâng lên, niềm hưng phấn nhen nhóm, bao hy vọng và mơ ước khai mở… Nhưng làm ra lễ hội, đưa lễ hội thăng hoa và màu nhiệm, nhiều khi chúng ta cũng khiến cho lễ hội bị xấu đi.

Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng vừa tưng bừng, náo nức mỗi dịp đầu năm. Lễ hội trở thành nơi công chúng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành, đồng thời cũng là nơi người dân được vui chơi, bù đắp những thiếu thốn về tinh thần. Song cho tới thời điểm này, khi tính thương mại của lễ hội được đặt lên trên ý nghĩa tinh thần, khi hoạt động tâm linh được coi là một sản phẩm du lịch khiến quy mô một số lễ hội vốn chỉ ở tầm xã, huyện được nâng lên, mở rộng thì ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của các lễ hội ấy không còn trọn vẹn như trước.

GS Ngô Đức Thịnh từng đặt vấn đề từ sớm về nguy cơ “nhất thể hóa” lễ hội. Ông cho rằng trong quá trình phục hồi các lễ hội ở các địa phương khác nhau, những quy cách, nghi thức của một lễ hội này có thể được áp dụng rộng rãi cho các lễ hội khác, khiến đi tới đâu cũng thấy na ná như nhau. Nhắc tới mùa lễ hội ở Việt Nam, ngay lập tức người ta liên tưởng ngay tới cảnh tiền lẻ được gài, rải từ gốc cây đến khe cửa, giếng nước, rồi ngay cả bàn thờ, tay Phật… thậm chí cả trên đầu rùa đội bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám!

Năm nay, mới vào đầu mùa lễ hội song cảnh chen chúc, xô bồ chặt chém, mất vệ sinh, tệ nạn buôn thần bán thánh lại tiếp tục diễn ra. Hiện tượng đốt đồ mã, ném tiền giọt dầu, sự xuất hiện tràn lan các loại bia ghi danh công đức và vấn nạn khấn thuê, bói toán… vẫn tiếp tục bủa vây du khách trong mùa lễ hội xuân ở đền Tiên La (Thái Bình), đền Mẫu (Hưng Yên), đền Cuông, đền Cờn (Nghệ An), chùa Bổ Đà, chùa Thổ Hà (Bắc Giang), đền Mẫu, đền Bắc Lệ (Lạng Sơn)… Rồi rác thải bừa bãi khắp nơi, cảnh trèo tường, chui cửa khổ sở của du khách hành hương ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), rồi hình ảnh treo bán thịt thú rừng, thịt sống được xả ra để chào mời ngay gần điểm tu hành… khiến ai cũng cảm thấy nao lòng.

Ngoài các nguyên nhân quá tải, sự vô ý thức của một bộ phận công chúng, sự yếu kém, lỏng lẻo của đội ngũ cán bộ cơ sở cũng khiến cho bức tranh toàn cảnh về lễ hội ngày càng xấu đi. Tiếc thay, vào những lúc cao điểm mùa lễ hội, các nhân vật có trách nhiệm ở địa phương hầu như hoàn toàn vắng bóng. Bên cạnh đó, một thực tế là người được đào tạo về chuyên môn tổ chức thì thiếu hiểu biết về lễ hội, người am hiểu văn hóa lễ hội thì lại ít tham gia vào khâu phục dựng và tổ chức đã dẫn đến lễ hội ngày càng xa rời ý nghĩa và giá trị lịch sử.

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cần có những động thái đúng mức, quyết liệt để không chỉ người dân mà bản thân mỗi ban tổ chức lễ hội đều phải  trân trọng gìn giữ nét riêng độc đáo của các lễ hội, từ quy mô ở cấp vùng như hội Lim, hội Yên Tử, hội chùa Hương… cho đến lễ hội đình, đền, chùa của từng thôn, xã. Có như vậy thì lễ hội mới thực sự có ý nghĩa và điều quan trọng hơn là nhân dân được thụ hưởng đích thực giá trị tinh thần và cốt cách sáng tạo văn hóa của cha ông truyền lại.

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục