Từ năm 2011, Bộ GD-ĐT đã có thông báo chấn chỉnh công tác liên kết đào tạo và gửi các bộ, ngành cùng UBND các tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo. Theo đó, các cơ sở đào tạo không được liên kết, liên thông đào tạo đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hệ chính quy ngoài cơ sở chính. Thế nhưng tình trạng liên kết, tuyển sinh ngoài luồng hiện vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp…
Trung tâm ĐH Mở Hà Nội tại Đà Nẵng thuộc Viện ĐH Mở Hà Nội tổ chức tuyển sinh, đào tạo đại học sai quy định của Bộ GD-ĐT.
Liên kết loạn xạ
Trong năm 2015, Trường CĐ Cần Thơ thông báo liên kết với các trường đại học trong cả nước có uy tín về đào tạo trình độ đại học như: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TPHCM, Sư phạm TDTT TPHCM, Ngân hàng TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương... Số ngành mà trường này thông báo tuyển sinh lên đến 22 ngành với đầy đủ nhóm ngành từ khoa học cơ bản đến kinh tế, kỹ thuật, năng khiếu. Trường này cũng thông báo liên kết với ĐH Công nghiệp TPHCM, đào tạo 3 ngành Quản trị khách sạn, Quản trị du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Với ĐH Bình Dương, trường liên kết đào tạo liên thông chính quy từ trung cấp, CĐ lên ĐH các ngành Kế toán, Công nghệ thông tin, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh.
Trường CĐ Cộng đồng Bà Rịa - Vũng Tàu cũng liên kết với nhiều trường như ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, ĐH Điện lực. Điều đáng nói là đơn vị này còn tổ chức thu tiền “đặt cọc” đối với lớp hệ chuyển tiếp từ CĐ lên ĐH ở khóa 11. Nghiêm trọng hơn, đơn vị này còn liên kết tuyển sinh cả đào tạo thạc sĩ.
Tại Đồng Tháp, Trường CĐ nghề Đồng Tháp liên kết với hàng loạt trường như ĐH Cần Thơ, ĐH Lao động Xã hội (cơ sở 2 tại TPHCM) và ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM. Trong đó, đáng nói hơn là đơn vị này liên kết mở lớp đào tạo bồi dưỡng sau ĐH cho các chuyên ngành: Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật cơ khí động lực, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp.
Theo thông báo của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, thời gian học từ tháng 9-2014 đến tháng 6-2015 và địa điểm học là tại Trường CĐ nghề Đồng Tháp. Học viên sau khi hoàn tất môn học và thi đạt từ 5 điểm trở lên sẽ được cấp chứng chỉ môn học đó và được bảo lưu trong 5 năm kể từ ngày cấp chứng chỉ (được chuyển điểm sau khi thi đậu đầu vào). Cũng theo thông báo, mức học phí mỗi học viên là 9,5 triệu đồng/học kỳ.
Tuyển trước, xin sau
Năm 1995, Trung tâm ĐH Mở thuộc Viện ĐH Mở Hà Nội được thành lập tại TP Đà Nẵng. Tính đến nay, trung tâm này đã tuyển sinh và đào tạo khoảng 22 khóa với trên 10.000 sinh viên (chủ yếu là đào tạo từ xa và tại chức). Trong đó, đơn vị này đã tổ chức tuyển sinh đào tạo 3 khóa chính quy tập trung khoảng 1.000 - 1.200 sinh viên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trung tâm ĐH Mở Hà Nội tại Đà Nẵng (đến nay vẫn là địa điểm đi thuê) hiện có khoảng 1.420 sinh viên và tổ chức đào tạo tại 295 Nguyễn Tất Thành, TP Đà Nẵng. Gồm: 920 sinh viên theo học các ngành Quản trị kinh doanh, Kinh tế, Luật; 400 sinh viên hệ tại chức; 100 sinh viên văn bằng 2 chính quy ngành Luật. Trong khi đó, theo Quyết định 58 của Thủ tướng chính phủ, văn phòng đại diện không được phép tuyển sinh, không tổ chức hoạt động đào tạo và hoạt động khoa học - công nghệ.
Do đó, muốn tuyển sinh, đào tạo thì đơn vị này phải liên kết với một đơn vị khác và được Bộ GD-ĐT cho phép hoặc phải thành lập phân hiệu. Cũng theo Quyết định 58, việc thành lập phân hiệu do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định khi đáp ứng các điều kiện như điều kiện thành lập trường theo quy định của Chính phủ.
Cũng tại Đà Nẵng, có hai trung tâm thuộc Trường ĐH FPT là Trung tâm Công nghệ thông tin Đà Nẵng và Trung tâm FPT Polytechnic Đà Nẵng. Năm 2009, UBND Đà Nẵng đồng ý nguyên tắc cho Trường ĐH FPT liên kết đào tạo bậc đại học chính quy với Trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng. Tháng 7-2010, Trường ĐH FPT có tờ trình đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét cho liên kết đào tạo trình độ đại học tại Đà Nẵng.
Tháng 8-2010, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét cho phép Trường ĐH FPT triển khai chương trình liên kết trên tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, tháng 11-2010, Bộ GD-ĐT có công văn trả lời Trường ĐH FPT và khẳng định: “Chưa triển khai việc cho phép các trường tổ chức liên kết cấp bằng đại học chính quy theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài trụ sở chính của trường”.
Tuy nhiên, theo xác minh của chúng tôi, trước khi xin phép Bộ GD-ĐT để được liên kết đào tạo ĐH hệ chính quy thì Trường ĐH FPT đã tuyển sinh trước. Và trong tình thế này, Bộ GD-ĐT lại tiếp tục đồng ý để Trường ĐH FPT đào tạo số sinh viên mà trường đã tuyển trước xin sau.
Theo Quyết định 42 về liên kết đào tạo trình độ Trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH (Bộ GD-ĐT ban hành tháng 7-2008), đối với đơn vị chủ trì đào tạo phải có các điều kiện: có văn bản cho phép mở ngành đào tạo đối với ngành dự định liên kết; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chỉ tiêu đào tạo.
Như vậy, cả Trung tâm ĐH Mở Hà Nội tại Đà Nẵng và Trường ĐH FPT tổ chức liên kết, tuyển sinh và đào tạo trình độ ĐH chính quy là vi phạm các quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT.
THANH HÙNG