Đua nhau mở công ty chứng khoán

Đua nhau mở công ty chứng khoán

Trong thời người người, nhà nhà chơi chứng khoán như hiện nay, dù thị trường có “đảo chiều” hay “sốt nóng” thì công ty chứng khoán cũng “ăn đậm”. Tất cả nhà đầu tư đều không thoát phí môi giới, mỗi ngày có công ty thu vào tiền tỷ. Chính vì vậy mà thiên hạ đua nhau mở công ty chứng khoán.

“Ngồi mát ăn bát vàng”

Đua nhau mở công ty chứng khoán ảnh 1

Nhộn nhịp trước công ty chứng khoán SSI. Ảnh: ĐỨC THIỆN

Chưa tính các hình thức kinh doanh như tự doanh, tư vấn… mà chỉ tính phí môi giới của các công ty chứng khoán (CTCK) thì đã thấy các công ty này đang “ngồi mát ăn bát vàng”.

Với phí môi giới tại các CTCK lớn, phí môi giới thường ở mức kịch trần, là 0,5% trên tổng giá trị giao dịch thì mức phí ở CTCK nhỏ như Kim Long là 0,3% cho giao dịch từ 300 - 500 triệu, giao dịch trên 1 tỷ đồng phí 0,2%... thì các CTCK đều “gom” tiền tỷ mỗi ngày.

Theo tính toán, trong ngày 30-3, tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh với giá trị giao dịch đạt 1.130 tỷ đồng, trong ngày hôm đó, các CTCK cũng có được trên 2,6 tỷ đồng (nếu phí là 0,2%), trên 5,6 tỷ đồng (nếu phí là 0,5%).

Còn trong ngày 5-4 tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh với giá trị giao dịch không cao (do thị trường chứng khoán đảo chiều), chỉ đạt 571 tỷ đồng nhưng các CTCK cũng thu được trên 1,2 tỷ đồng (phí là 0,2%) và trên 2,6 tỷ đồng (phí là 0,5%).

Tính riêng trong tháng 3.2006, thời điểm thị trường chứng khoán hưng thịnh nhất từ trước đến nay với tổng giao dịch đạt 22.733 tỷ đồng, các CTCK đã nhận được trên 206 tỷ đồng (phí là 0,2%) hay trên 516 tỷ đồng (phí là 0,5%)…

Giám đốc một CTCK “bật mí”, mỗi ngày công ty ông thu vào 1 tỷ đồng từ phí môi giới… là chuyện thường.

Đua nhau mở CTCK

Chính vì món lợi cao mà thời gian qua, các CTCK liên tục ra đời. Nếu cuối năm 2006, mới có trên 20 CTCK hoạt động thì nay đã có đến 41 CTCK.

Theo chúng tôi được biết, hiện đang có 70 công ty được cấp phép thành lập CTCK… chỉ chờ ngày khai trương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các công ty trên đã chạy đua để có được giấy phép nhằm tránh ngày 1-1-2007, thời điểm Luật Chứng khoán có hiệu lực với những ràng buộc cao hơn.

Càng về sau, thành lập CTCK càng khó hơn?!

Trong kế hoạch phát triển CTCK từ nay đến năm 2010, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước định hướng giới hạn số lượng công ty loại này trong khoảng 30-40 công ty. Nhưng có khá nhiều ý kiến không thống nhất.

Lý do đầu tiên phản đối việc khống chế số lượng CTCK là thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ bé, phạm vi hoạt động của thị trường mới chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, vì vậy việc khống chế số CTCK có thể ảnh hưởng đến khả năng mở rộng hoạt động của thị trường chứng khoán đến các vùng, miền.

Ngoài ra, số CTCK hiện tại tuy đã có thời gian trải nghiệm trên 6 năm, nhưng chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế, khả năng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ chứng khoán cho nhà đầu tư và DN còn thấp. Về pháp lý, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán không có thẩm quyền hạn chế sự phát triển của các thành viên thị trường, trong đó có CTCK.

Theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, cá nhân, tổ chức đủ năng lực và các điều kiện quy định đều được quyền mở CTCK.

Bá Tân

Tin cùng chuyên mục