Đua nhau săn bắt “hậu duệ khủng long”

Loài cá cóc (tên khoa học là Paramesotriton deloustali) được coi là “hậu duệ” của loài khủng long đã tuyệt chủng trên thế giới. Ngay sau khi được phát hiện tại Việt Nam, loài cá này đã được đưa vào “sách đỏ”.
Đua nhau săn bắt “hậu duệ khủng long”

Loài cá cóc (tên khoa học là Paramesotriton deloustali) được coi là “hậu duệ” của loài khủng long đã tuyệt chủng trên thế giới. Ngay sau khi được phát hiện tại Việt Nam, loài cá này đã được đưa vào “sách đỏ”.

Đua nhau săn bắt “hậu duệ khủng long” ảnh 1

Loài cá cóc quý hiếm được tìm thấy ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc)

Cho đến nay, cá cóc mới chỉ được tìm thấy ở 3 khu vực: Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), rừng Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Thế nhưng, hiện nay ở Mẫu Sơn và Tam Đảo, hàng trăm người dân đang đua nhau săn lùng cá cóc.
Mẫu Sơn: 10.000 đồng/con cá cóc

Năm 1934, loài cá cóc Tam Đảo được nhà khoa học người Pháp Bourret phát hiện ở Vườn Quốc gia Tam Đảo. Đến năm 2006, các nhà khoa học lại tìm thấy chúng ở rừng Xuân Sơn (Thanh Sơn, Phú Thọ).

Gần đây, khi thực hiện một dự án khảo sát về cuộc sống các loài bò sát dưới thảm thực vật trên đỉnh Mẫu Sơn, đoàn cán bộ thuộc Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc phát hiện 1 loài bò sát khá lạ mắt, có đuôi, cùng họ với thạch sùng, thằn lằn, tắc kè… sống quanh các con suối, khe nước ẩm. Số lượng xuất hiện khá dày. Sau đó, họ đã đem một số con về Đại học Sư phạm Hà Nội 1 (Hà Nội) để giám định và khẳng định đây chính là loài cá cóc được phát hiện ở rừng Xuân Sơn và Tam Đảo.

Khi đó, đoàn khảo sát mới giật mình, bởi loài động vật lưỡng cư quý hiếm này đang bị người dân bản địa săn bắt rầm rộ. Khi gặp chúng tôi, ông Hoàng Văn Minh, một cán bộ thuộc đoàn khảo sát lo lắng cho biết, trên đỉnh Mẫu Sơn đang có hàng trăm người lên săn bắt cá cóc để bán. “Tôi vào nhà nào ở đó cũng thấy có vài bình rượu ngâm cá cóc”- ông Minh nói.

Người dân địa phương không biết cá cóc là một “hậu duệ” của loài khủng long, họ gọi chúng bằng nhiều thứ tên: tắc kè nước, kỳ nhông, cá ngựa núi…

Để rõ thực hư, chúng tôi đã làm một chuyến hành trình lên đỉnh Mẫu Sơn. Ông Triệu Phúc Chử, dân tộc Dao, là trưởng bản Pắc Đay, xã•Công Sơn (Cao Lộc, Lạng Sơn) và chị Hoàng Thị Lảy dẫn chúng tôi đi xem cá cóc. Ra khỏi khu du lịch Mẫu Sơn vài cây số, chúng tôi vào khu rừng um tùm, đầy dây leo, cỏ dại. Đi hơn 1 tiếng thì đến cánh rừng Pắc Đay, Ngàn Pặc. Chị Lảy và ông trưởng bản Triệu Phúc Chử khẳng định, đây là nơi có nhiều loài cá cóc quý hiếm. Thế nhưng, đáng buồn là các khu vực này đều đã có dấu chân của những thợ săn cá cóc.

Trên đường sang rừng Thán Dìu, chúng tôi gặp nhiều thợ săn với từng giỏ đựng cá cóc tung tăng xuống núi. Thợ săn người Dao Lý Văn Tiến, ở xã Công Sơn, khoe một xâu cá cóc khoảng 60 con vừa bắt trên tay. Anh Tiến cho biết sẽ mang về khu du lịch Mẫu Sơn bán cho du khách. Nếu không bán hết, sẽ bán lại cho các nhà hàng để họ ngâm rượu. Mỗi 1 con cá cóc bán giá 10.000 đồng.

Tây Thiên, Tam Đảo: cá cóc thành... đặc sản

Đua nhau săn bắt “hậu duệ khủng long” ảnh 2
Cá cóc cũng trở thành món rượu đặc sản ở Tam Đảo

Hai khu du lịch nổi tiếng ở Vĩnh Phúc là Tam Đảo và Tây Thiên. Những năm trước, quà lưu niệm phổ biến bán cho du khách là phong lan và rùa đá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi phong lan và rùa đá dần cạn kiệt thì những thợ săn lại chuyển sang săn… cá cóc. Cứ sáng tinh mơ là hàng chục thợ săn lại xách giỏ lên rừng, tầm 3-4 giờ chiều họ kéo về khu chùa Tây Thiên và thị trấn Tam Đảo để kịp chào mời du khách.

Chị Văn Thị Liên, chủ một nhà nghỉ ở khu du lịch Tây Thiên cho biết: “Khách du lịch không rõ đây là loài cá cóc quý hiếm trên thế giới, nhà nước cấm săn bắt và mua bán; cũng không rõ chúng bổ dưỡng ra sao. Nhưng vì cánh thợ săn quảng cáo rất bổ dưỡng, cường lực nên họ thi nhau mua về làm quà, làm thuốc”.

Chị Liên nói thêm, ban đầu mỗi con cá cóc chỉ có giá 5.000 đồng, nhưng gần đây chúng khan hiếm hơn, nhu cầu của khách lại nhiều, nên đã tăng giá tới 15.000 đồng/con. Chị dẫn chúng tôi vào xem tủ rượu ngâm cá cóc. “Rượu cá cóc hiện đang là món đặc sản ở đây”- chị Liên nói.

Khu du lịch Tây Thiên rộng 148ha thuộc rừng quốc gia Tam Đảo. Theo Ban quản lý Vườn Quốc gia Tam Đảo, nơi đây hiện có một quần thể động thực vật rất phong phú với 130 họ, 344 chi và 490 loài. Riêng động vật có 4 lớp, 26 bộ, 86 họ và 281 loài. Trong đó có loài cá cóc Tam Đảo.

Năm 2002, nhà nước ban hành Nghị định số 48/2002/NĐ-CP đã đưa cá cóc vào nhóm 1B, danh sách động vật hoang dã cần bảo vệ nghiêm ngặt. Theo giáo sư đầu ngành về loài lưỡng cư Lê Nguyên Ngật, công tác tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, nếu cơ quan chức năng không sớm có giải pháp bảo tồn thiết thực thì loài cá quý hiếm này có thể biến mất trong vài năm tới trước tình trạng săn bắt vô tội vạ như hiện nay.  

 Theo “sách đỏ” Việt Nam, cá cóc Tam Đảo có thân dài giống như thằn lằn. Chúng có đuôi đẹp và da thiếu vảy. Trên da có nhiều mụn xù xì và tiết chất nhầy. Những mụn cóc này thường làm thành dãy dọc sống lưng kéo dài tới đuôi. Lưng cá cóc có màu đen, bụng màu đỏ, có những đường xám đen nối với nhau tạo thành hình mạng vân đỏ.

Tên khoa học là Paramesotriton deloustali, thuộc họ cá cóc Salamandridae, bộ nhái ếch có đuôi Caudata. Nó được ghi nhận là một trong 5 loài cá cóc Việt Nam theo chương trình hợp tác nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Việt Nam giữa Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Bảo tàng động vật Konic Bon (Đức).

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục