“Đua nước rút” giảm ô nhiễm môi trường

“Đua nước rút” giảm ô nhiễm môi trường

Đến năm 2015, TPHCM phải ngăn chặn, hạn chế, khắc phục ô nhiễm, cải thiện và khôi phục chất lượng môi trường. Và để làm được việc này, phải có 80% - 90% cơ sở sản xuất, dịch vụ thương mại, khu đô thị có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn; 100% khu công nghiệp đảm bảo chất thải sau xử lý không gây ô nhiễm; giảm thiểu 80% (đối với khu vực nội thành) và 60% (đối với khu vực ngoại thành) mức độ ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, 100% người dân phải được tuyên truyền kiến thức bảo vệ môi trường. Vậy đến nay, TPHCM đã làm gì để có thể đạt được mục tiêu đề ra?

“Đua nước rút” giảm ô nhiễm môi trường ảnh 1

Xử lý bùn thải sau sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất cân Nhơn Hòa. Ảnh: CAO THĂNG

Triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, để có thể thực hiện mục tiêu trên, có 6 nhóm giải pháp đã được đề ra. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ vệ sinh môi trường và ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong xã hội; đảm bảo thực hiện các chiến lược bảo vệ môi trường của quốc gia và thành phố; tăng cường đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường; phủ kín mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường nước, không khí trên địa bàn thành phố; tăng cường liên kết với các tổ chức chính trị để vận động cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Và cuối cùng là mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác vùng và quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ của nước ngoài cho các dự án ngăn ngừa ô nhiễm, cải thiện và bảo vệ môi trường.

 6 nhiệm vụ trên đã được triển khai đồng bộ từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc rất khó khắc phục. Phổ biến nhất là tình trạng chậm tiến độ của các dự án vệ sinh môi trường. Việc chậm trễ này đã khiến chất lượng môi trường không được cải thiện như mong muốn, ngược lại còn gây thêm ô nhiễm môi trường cho người dân. Lý do chính dẫn đến thực trạng này là việc bố trí kinh phí cho các dự án, chương trình chưa kịp thời. Không dừng lại đó, một bộ phận không nhỏ người dân hiện vẫn chưa chuyển biến thói quen sống thiếu thân thiện với môi trường, nhất là hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng và hệ thống kênh rạch, không thực hiện phân loại rác tại nguồn dù đã được vận động thường xuyên. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng thu gom cho lực lượng rác dân lập dù đã kiến nghị nhiều nhưng cho đến nay vẫn chưa có chính sách giải quyết hợp lý.

 Riêng về các cơ sở sản xuất vẫn còn tồn tại tình trạng di dời tự phát, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Địa bàn tập trung nhiều nhất thường là các quận 12, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Bức xúc hơn là tình trạng vi phạm môi trường tại các cụm công nghiệp. Theo quy hoạch, trên địa bàn thành phố có 30 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, đa số các cụm công nghiệp này đều chưa có ban quản lý. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bản thân các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp cũng không có hệ thống xử lý nước thải cục bộ…

Công tác thanh tra, kiểm tra dù được tăng cường mạnh song vẫn còn tình trạng doanh nghiệp vì lợi nhuận nên không vận hành hệ thống xử lý chất thải hoặc xử lý nhưng chỉ để đối phó với các cơ quan chức năng. Hành vi vi phạm của các doanh nghiệp cũng ngày càng tinh vi hơn khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý của cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Đã vậy, một nguyên nhân khác khiến cho tình trạng thanh tra, kiểm tra môi trường hiện nay trở nên phức tạp là vì theo phân cấp, có nhiều cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra môi trường nhưng lại không đơn vị nào chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra sự cố môi trường.

Đẩy nhanh các giải pháp cải thiện môi trường

Để có thể đạt được mục tiêu, từ năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM sẽ thực hiện “đua nước rút” để vừa khắc phục những hạn chế trên, đồng thời đẩy nhanh các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 39 chương trình, đề án về cải thiện chất lượng môi trường; tiếp tục phối hợp với các tỉnh lân cận thực hiện có hiệu quả đề án bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai; kiểm soát và quản lý chặt chẽ các nguồn xả thải có tiềm năng gây ô nhiễm cao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các khu chế xuất, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các bệnh viện, bãi rác và cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc trên địa bàn thành phố. Với những dự án liên quan đến môi trường nước sẽ bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đẩy mạnh chương trình giải tỏa, tái định cư cho các khu nhà lụp xụp, xây cất lấn chiếm kênh rạch thoát nước của thành phố. Sở sẽ nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thiết bị quan trắc chất lượng môi trường nước và không khí cho thành phố, tạo cơ sở dữ liệu chính xác để kịp thời đưa ra những giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp với thực tế ô nhiễm.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng kiến nghị thành phố chấp thuận bổ sung một số chương trình với tổng kinh phí dự trù khoảng 17,1 tỷ đồng; chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách, bố trí kinh phí kịp thời để thực hiện các chương trình, đề án nhằm thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, trong đó có dự án đầu tư hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, các khu công nghệ cao và dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, nước mặt; Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo. Và quan trọng nhất là UBND các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và vệ sinh đô thị, đặc biệt là tình trạng xả rác thải xuống kênh rạch. Nếu triển khai đồng bộ được các kiến nghị trên, nhất định mục tiêu cải thiện môi trường đặt ra cho năm 2015 sẽ đạt được.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục