Ngày 14-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời thủ đô Brussels, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu và lên đường đi thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức.
Hướng đến một hiệp định thương mại toàn diện với EC
Trong khuôn khổ chuyến thăm Liên minh châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso và gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy.
Tại các cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai bên sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào thời gian sớm nhất; đề nghị EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam vào thời điểm hai bên kết thúc đàm phán.
Thủ hiến bang Baden Wuerttemberg, Ngài Winfried Kretschmann đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Kết thúc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Manuel Barroso đã chứng kiến lễ ký chính thức khoản viện trợ trị giá 400 triệu EUR của EC dành cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020 và ra Tuyên bố chung giữa Chủ tịch EC và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về định hướng kết thúc đàm phán EVFTA, trong đó nhấn mạnh mong muốn xây dựng một hiệp định thương mại tự do hiện đại, toàn diện và cân bằng, để giúp hai bên có thể đáp ứng các thách thức về kinh tế hiện nay và trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có cuộc gặp với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng ông Martin Schulz được tín nhiệm tái đắc cử chức Chủ tịch Nghị viện châu Âu; thông báo về kết quả các cuộc gặp của Thủ tướng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) nói chung và các nước thành viên EU nói riêng; nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nghị viện châu Âu trong tăng cường quan hệ Việt Nam - EU; đề nghị nghị viện sớm phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) với Việt Nam và tích cực ủng hộ việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong thời gian sớm nhất có thể để góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực của quan hệ Việt Nam - EU và coi trọng hợp tác với Việt Nam; khẳng định Việt Nam có vai trò quan trọng trong chính sách châu Á của EU và mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với Việt Nam, nhất là quan hệ liên nghị viện, đồng thời nhấn mạnh Nghị viện châu Âu sẽ tham gia tích cực vào phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - EU.
Đức coi trọng thị trường Việt Nam
Chiều 14-10 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thành phố Stuttgart, bang Baden Wuerttemberg, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức theo lời mời của Thủ tướng Angela Merkel. Nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức CHLB Đức, Thủ hiến bang Baden Wuerttemberg, Vinfried Krétchmann, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế năng động của Việt Nam và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa bang Baden Wuerttemberg với các địa phương của Việt Nam, nhất là những lĩnh vực bang Baden Wuerttemberg có thế mạnh về giáo dục đào tạo, công nghiệp chế tạo…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Hiện Đức là đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp bang Baden Wuerttemberg hoạt động lâu dài và có hiệu quả tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như sản xuất thiết bị, hóa dược, năng lượng sạch, dạy nghề...
Theo đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Nguyễn Thị Hoàng Anh, việc Đức chọn Việt Nam để tổ chức Diễn đàn các doanh nghiệp Đức khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APK) với sự tham dự của hơn 700 doanh nghiệp, cho thấy phía Đức rất coi trọng thị trường Việt Nam và mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Nhân chuyến thăm Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam cũng tổ chức Diễn đàn kinh tế tại thành phố Stuttgart ở bang Baden-Wurteberg, với sự tham gia của khoảng 200 doanh nghiệp hai nước và đây sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu cơ hội hợp tác và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đầu tư của mình.
Về kết quả hợp tác kinh tế, Đức hiện là nước có cán cân thương mại với Việt Nam lớn nhất trong EU, đã vượt ngưỡng 7,7 tỷ USD trong năm 2013 và đang trên đà cán mốc 10 tỷ USD trong một vài năm tới.
THỤY VŨ tổng hợp
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Bỉ, Ủy ban châu Âu: Đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực