Ngày 8-3, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015. Nhiều chuyên gia giáo dục cùng các nhà khoa học, quản lý giáo dục từ các trường đại học, các cơ sở giáo dục đã tham dự góp ý cho đề án này.
Đề xuất lập “trại viết SGK”
Đề án có các phần gồm mục tiêu, phạm vi và nhiệm vụ, nội dung. Đáng chú ý, dự thảo đề án đề ra 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 2014 - 2015, sẽ xây dựng chương trình tổng thể, chương trình môn học và biên soạn các SGK thử nghiệm lớp 1, 6 và 10. Giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành việc thử nghiệm và ban hành CT-SGK mới. Biên soạn SGK thử nghiệm những môn học ở các lớp: 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 11 và 12.
Tại hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia hôm qua, nhiều ý kiến tâm huyết đã được đưa ra. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cùng với Đề án đổi mới CT-SGK sau năm 2015, Bộ GD-ĐT cần xây dựng luôn 2 đề án nữa là Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học, Đề án đổi mới đào tạo giáo viên. PGS Văn Như Cương đề nghị tổ chức “trại viết SGK”, tập trung các nhóm tác giả cùng một cuốn sách có thể trao đổi với nhau, ngoài ra có thể trao đổi với nhóm tác giả các cuốn khác cùng môn ở lớp dưới, lớp trên, hoặc với tác giả các môn lân cận. Làm việc theo công thức “trại viết SGK”, chắc chắn sẽ nhanh ít nhất gấp 10 lần theo cách làm việc trước đây. GS-TS Hoàng Văn Vân, Chủ nhiệm Khoa Sau ĐH (ĐHQG Hà Nội), đồng ý với quan điểm một chương trình nhiều bộ SGK nêu trong đề án vì đây là kinh nghiệm thế giới đã làm. Việc có nhiều bộ SGK cũng cần được chính thức hóa chủ trương, công bố rộng rãi để tránh gây xôn xao dư luận.
Tuy khẳng định đề án đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông đang đi đúng hướng nhưng nhiều chuyên gia cũng băn khoăn liệu đội ngũ giáo viên hiện nay có đáp ứng yêu cầu đổi mới. Về điều này, PGS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), với góc độ là giáo viên trực tiếp dạy học cho rằng, không nên lo giáo viên không theo kịp đổi mới CT-SGK. Bởi hiện nay, hàng ngày các giáo viên đều đang có ý thức trau dồi, đổi mới để nâng cao trình độ của mình. Quan trọng là viết SGK, viết không khó, nhưng viết thế nào cho hay, cho đẹp, học sinh học nhẹ nhàng, tiếp thu dễ nhất mới khó. Đồng thời cần lập một ban giữa những người làm lý thuyết và phương pháp, giữa GS đầu ngành và các giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy hàng ngày để phối hợp trong việc viết SGK, bảo đảm yêu cầu đưa thực tiễn vào SGK.
CT-SGK sẽ có độ “mở”?
Một trong những thay đổi lớn của giáo dục phổ thông sau năm 2015 mà đề án đề cập là tổ chức dạy học theo hướng “mở” nhằm phát huy năng lực của cả thầy và trò, khắc phục lối dạy truyền thụ một chiều hiện nay, tăng kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn… Vì vậy, GS Nguyễn Ngọc Cơ, Khoa Lịch sử (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), đề nghị phải chuyển từ hình thức học tập trên lớp là chủ yếu sang đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, kết hợp giữa dạy học và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để phát triển năng lực cá nhân và đảm bảo chất lượng giáo dục chung. Tiếp tục bảo lưu ý kiến trước đó, PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, đề xuất thời gian học ở bậc THPT chỉ cần 2 năm thay vì 3 năm.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, các công việc của đề án đang theo đúng quy trình. “Có việc làm trước, công bố trước, có việc làm sau và công bố sau. Hội nghị đang bàn bạc, góp ý, nhưng trong thực tiễn, chương trình, các nhà trường đã và đang đổi mới”, ông Hiển khẳng định. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thông tin, Bộ GD-ĐT rất coi trọng việc đổi mới sư phạm và đang xây dựng đề án riêng về vấn đề này, trong đó có các vấn đề như hệ thống, mạng lưới, nghiệp vụ sư phạm, đào tạo giáo viên… Về ý kiến thay đổi hệ thống giáo dục, ông Hiển cho biết Nghị quyết 29 của TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã khẳng định trước mắt giữ nguyên hệ thống giáo dục như hiện nay, nhưng nghị quyết cũng khẳng định sẽ phải có sự thay đổi trong đó. “Giáo dục đến hết THCS là xong nền tảng kiến thức phổ thông. Điều này trước đây chưa được xác định rõ. Giáo dục trung học phải tiếp cận nghề nghiệp và tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục sau phổ thông. Theo đó, trong cơ cấu chương trình cũng phải phù hợp với nội dung này của nghị quyết, phải phân hóa, đưa nội dung kỹ năng, năng lực để học sinh phổ thông đáp ứng được tốt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giải thích.
Riêng về vấn đề học một buổi, học hai buổi, theo ông Hiển ngành giáo dục phấn đấu xây dựng chương trình để giáo dục tiểu học học cả ngày, nhưng vẫn có cách để xử lý những nơi chưa đảm bảo học cả ngày; giáo dục THCS, THPT xây dựng học 1 buổi/ngày, nhưng vẫn có cách để xử lý với những nơi nào có điều kiện học cả ngày nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Về xây dựng chương trình, Bộ GD-ĐT hướng đến xây dựng chương trình khung thiết kế chung, sau đó có chương trình chi tiết, chương trình cho các bộ môn, chương trình cho các hoạt động.
LÂM NGUYÊN