Dựa vào dân để giám sát

Năm 2014, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam sẽ triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội. Đây là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi vừa bước sang năm mới 2014. Nội dung giám sát và phản biện xã hội này là theo quy định của Hiến pháp sửa đổi, Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cũng như Quy định về MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng và chính quyền do Bộ Chính trị ban hành ngày 12-12-2013.

Khép lại năm 2013 với nhiều khó khăn về kinh tế cũng như nhiều tồn tại, bức xúc của xã hội. Chưa bao giờ như lúc này, người dân mong muốn cơ quan quản lý nhà nước thực thi một cách cao nhất quyền năng của mình để chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trên từng lĩnh vực.

Không ai phủ nhận những nỗ lực để làm chuyển biến theo hướng tích cực hiệu quả quản lý nhà nước ở tất cả các mặt của cuộc sống, từ phát triển kinh tế đến quản lý xã hội ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, phòng chống tham nhũng… Nhưng sự thật là trên tất cả những lĩnh vực đó, người dân vẫn chưa hài lòng vì còn tồn đọng quá nhiều bất cập, yếu kém cần chấn chỉnh để có thể hoàn thiện một nền công vụ vì dân phục vụ.

Trong những nguyên nhân dẫn đến yếu kém về quản lý nhà nước ở các lĩnh vực, hẳn nhiên có nguyên nhân do bộ máy còn thiếu về nhân lực, không đủ sức quản lý hết. Vì thế đã rất nhiều ý kiến cho rằng, để phát hiện những bất cập, yếu kém, thậm chí là tiêu cực trong quản lý nhà nước của bộ máy công vụ, phải biết dựa vào dân để giám sát.

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân từng phát biểu, qua hàng loạt các vụ bức xúc xã hội vừa qua cả về y tế, giáo dục... cho thấy, có nhiều lỗ hổng trong quản lý nhà nước nhưng khâu hậu kiểm không thể bao quát do không đủ lực lượng. Qua vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, câu hỏi đặt ra là có thể kiểm soát tất cả các cơ sở y tế tư nhân được không khi mà hiện cả nước có hơn 30.000 cơ sở y tế tư nhân, 39.000 nhà thuốc tư nhân nhưng lực lượng thanh tra y tế cả nước chỉ là 250 người? “Chúng ta không tăng được bộ máy, mà có tăng gấp 4 lần cũng không làm được việc hậu kiểm hàng vạn cơ sở y tế đó”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Tương tự, hiện nay có hơn 1 triệu người có công với cách mạng, rất nhiều hồ sơ tồn đọng nhưng không đủ lực lượng để kiểm tra, xử lý việc tồn đọng đó. Ngành giáo dục có trên 40.000 cơ sở giáo dục nhưng lực lượng thanh tra cũng chỉ có khoảng hơn 200 người. Ngành lao động vừa qua phát hiện doanh nghiệp trốn đóng tới 11.000 tỷ đồng tiền BHXH của người lao động, rất nhiều bất cập trong lĩnh vực này, khiến người lao động bị tước đoạt quyền lợi nhưng thanh tra lao động trên cả nước chỉ có 450 người...

Vì thế, như Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, không có con đường nào nhanh hơn, hiệu quả hơn, đó là nhân dân phải là lực lượng thanh tra, giám sát quan trọng nhất. Cần để các tổ chức đoàn thể, mặt trận thay mặt nhân dân, Nhà nước giám sát các hoạt động của bộ, ngành, kết quả thanh tra chuyển cho cơ quan quản lý nhà nước xử lý. Thực tế, năm 2014 này, MTTQ Việt Nam đã chủ động đề nghị với Chính phủ sẽ cùng với Bộ LĐTB-XH rà soát tổng thể về thực hiện chính sách có công, đóng BHXH cho người lao động; cùng ngành nông nghiệp, hội nông dân giám sát việc sản xuất, kinh doanh thuốc trừ sâu, phân bón. Với cách làm này, mặt trận và các đoàn thể sẽ đi rà từng hộ dân, thống kê từng cơ sở, làm rõ thực trạng, sau đó chuyển cơ quan quản lý nhà nước giải quyết.

Rõ ràng, khi bộ máy nhà nước không đủ người để giám sát từng ngõ ngách của xã hội, không gì khác là phải dựa vào dân để thanh tra, giám sát. Nhân dân là tai, là mắt của chính quyền. Thông tin từ nhân dân là cơ sở tin cậy để thực hiện chế tài của Nhà nước. Đó là nguyên lý không mới nhưng rất cần được đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, của nhân dân. Bởi nói như ông Lù Văn Que, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, chống tham nhũng mà chỉ cán bộ, đảng viên, cơ quan chức năng làm thì khó thành công, phải là nhân dân cùng tham gia, vì ai lãng phí, tham nhũng người dân đều biết hết. Dựa vào dân mà giám sát, nhất định sẽ thấy rõ tất cả những tốt - xấu của bộ máy, của xã hội. Và quan trọng hơn, giám sát nhưng không phải với mục đích duy nhất là tìm cái xấu, mà giám sát là để chuyển biến cái xấu, để khẳng định cái tốt và phát hiện điển hình cho cả cộng đồng cùng tốt lên.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục