Đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất cọc vách nhựa uPVC và khuôn mẫu chính xác
Cùng với chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp, việc thực hiện nhiều dự án lớn tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đã góp phần đưa nền công nghiệp TPHCM cũng như cả nước tăng trưởng chiều sâu. Trong những ngày cả nước kỷ niệm 37 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2012), CNS cũng chào mừng sự kiện này một cách thiết thực qua việc đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất cọc vách nhựa uPVC và Nhà máy chế tạo khuôn mẫu chính xác.
Cùng với chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp, việc thực hiện nhiều dự án lớn tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đã góp phần đưa nền công nghiệp TPHCM cũng như cả nước tăng trưởng chiều sâu. Trong những ngày cả nước kỷ niệm 37 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2012), CNS cũng chào mừng sự kiện này một cách thiết thực qua việc đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất cọc vách nhựa uPVC và Nhà máy chế tạo khuôn mẫu chính xác.
° Nhà máy sản xuất cọc vách nhựa uPVC được đặt trong Khu công nghiệp Tân Quy (huyện Củ Chi). Đây là nỗ lực của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn trong việc thực hiện chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX về việc chống triều cường, sạt lở, chống ngập úng tại TPHCM. Nhà máy sản xuất cọc vách nhựa chống sạt lở với công nghệ tiên tiến hiện nay. Sản phẩm này ra đời thay thế phương pháp chống sạt lở mang tính truyền thống tường ngăn bằng bê tông cốt thép, cừ tràm, đất hoặc bao cát. Ưu điểm của cọc vách nhựa uPVC là không bị rỉ sét, chịu được nước phèn mặn, không bị xâm hại bởi các loài sâu bọ, nước không thể xâm thực, dễ gia công cắt sửa, nhẹ hơn thép và bê tông nên có thể thi công nhanh, thời gian sử dụng công trình lâu hơn vì cọc vách nhựa uPVC có tuổi thọ 50 năm. Có thể kết nối cao hơn trong trường hợp đỉnh triều hoặc mực nước biển dâng cao. Ngoài ra, dây chuyền còn có thể sản xuất profile cửa, ống cấp, thoát nước, các profile có hình dạng theo yêu cầu, các sản phẩm nhựa gỗ… cung cấp cho ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp. Tổng mức đầu tư dự án 287.934 triệu đồng (trong đó, vốn cố định 252.834 triệu đồng; vốn lưu động 35.100 triệu đồng).
° Nhà máy sản xuất khuôn mẫu chính xác của CNS sẽ sản xuất ra loại khuôn có độ chính xác cao và chất lượng cao, thay thế khuôn hiện nay phải gia công ở nước ngoài. Dự án được thực hiện có sự hợp tác của 1 đối tác Singapore có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất khuôn, đảm nhận công tác đào tạo, ứng dụng kỹ thuật – khoa học công nghệ. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 181 tỷ đồng (trong đó, vốn tự có của đơn vị hơn 103 tỷ đồng, 78 tỷ đồng nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất). Theo Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, mỗi năm, các đơn vị trực thuộc cần đến hàng trăm bộ khuôn nhựa, khuôn cao su, khuôn đúc, khuôn đột dập… có yêu cầu kỹ thuật và độ chính xác cao để phục vụ cho sản xuất. Phần lớn số khuôn này phải nhập từ nước ngoài. Do vậy ở giai đoạn 1, nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng công ty, các đơn vị sản xuất trong nước, các doanh nghiệp FDI. Việc đầu tư mở rộng, tăng cường máy móc thiết bị được thực hiện trong giai đoạn 2, với sản lượng sản xuất khuôn các loại từ 500 đến 1.000 bộ khuôn/năm. Với dự án này, lãnh đạo CNS mong muốn đáp ứng nhu cầu thị trường khuôn mẫu trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Các dự án lớn đang triển khai
- Dự án sản xuất Chip điện tử, sản xuất các sản phẩm công nghệ bán dẫn: Dự án có tổng mức đầu tư 5.146 tỷ đồng đã được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đề xuất Chính phủ đưa vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia để được hưởng các chính sách ưu đãi về nguồn vốn đầu tư. Ý nghĩa của dự án này thực hiện mục tiêu chuyển đổi nền sản xuất lắp ráp, gia công hiện tại sang nền công nghệ sản xuất ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hàng loạt dòng sản phẩm trong sinh hoạt, tiêu dùng an ninh, quốc phòng, thu hút các thành phần lao động VN tham gia từ khâu thiết kế, chế tạo, ứng dụng… thay thế hàng hóa, linh kiện nhập khẩu. Dự án này có thể giúp VN trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành sản xuất điện tử công nghệ cao.
- Dự án thành lập nhà máy sản xuất cơ khí trọng điểm phía Nam: Dự án đã được TP chấp thuận chủ trương nghiên cứu lập dự án theo định hướng “Chiến lược phát triển ngành cơ khí VN đến năm 2010, tầm nhìn 2020” nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa và phát triển ngành cơ khí VN. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án 2.800 tỷ đồng, sản lượng đúc phôi thép, gang 40.000 tấn/ năm, thép rèn 12.000 tấn/năm, dập uốn 15.000 tấn/năm, gia công cắt, gọt 3.000 tấn/năm.
- Dự án xây dựng cơ sở hạ tâng các cụm công nghiệp: Đa Phước, Dương Công Khi, Phạm Văn Cội hiện đang đề xuất UBND TPHCM chấp thuận chủ trương kiến nghị Chính phủ chuyển đổi sang mô hình quy hoạch khu công nghiệp nhằm thu hút đầu tư và tăng hiệu quả hoạt động.
- Dự án sản xuất ván MDF Sahabak giai đoạn 2 (giai đoạn 1 được khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến gỗ ván thanh có tổng vốn đầu tư 34,5 tỷ đồng, công suất 3.000m3 sản phẩm trên năm) do Công ty CP Sahabak đầu tư (gồm 4 cổ đông: Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn; Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội và Công ty CP Bất động sản Sài Gòn – Đông Dương). Nhà máy sản xuất ván MDF Sahabak (giai đoạn 2) dự kiến đưa vào vận hành chạy thử vào quý III năm 2013. Nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất ván gỗ MDF tiên tiến nhất Việt Nam (công nghệ ép liên tục) hiện có công suất 108.000m3 ván MDF/ năm với nguyên liệu sử dụng 200.000m3 gỗ/năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.140 tỷ đồng. Dự án này góp phần đưa ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tăng trưởng chiều sâu, sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.