(SGGP).- Ngày 24-10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định, sau 30 năm đổi mới Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng. Trong 25 năm qua, GDP tăng 30 lần, xuất khẩu 30 năm qua cũng tăng 30 lần giúp Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Bước sang giai đoạn 30 năm phát triển tiếp theo, Việt Nam đang hoạch định chính sách để phát triển đất nước giai đoạn 2016-2020, hướng đến năm 2030. “Chúng ta cần làm rõ Việt Nam có tiền đề gì, nhu cầu chuyển dịch các trung tâm chế biến, chế tạo thế giới hiện nay như thế nào và Việt Nam có điều kiện chuẩn bị để tiếp đón cơ hội này hay không?” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề. Cũng theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam là nơi xuất khẩu hàng công nghiệp và chế biến, chế tạo vì 63% hàng xuất khẩu của Việt Nam là các mặt hàng này. Bên cạnh đó, 56% vốn đầu tư vào Việt Nam cũng tập trung vào ngành công nghiệp chế biến và chế tạo; riêng trong năm 2015, có hơn 80% vốn đầu tư nước ngoài về lĩnh vực này. Một trong những xu hướng chuyển dịch của các trung tâm chế biến, chế tạo là từ nơi có chi phí lao động cao sang nơi có chi phí lao động thấp. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý Việt Nam sẽ có lợi thế chi phí lao động thấp trong bao lâu nữa là một vấn đề cần phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ.
Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, nhiều quốc gia đã vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực nhờ phát triển thành công những trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, về cơ bản chúng ta vẫn chưa hình thành được các ngành công nghiệp có tính nền tảng cho nền kinh tế; công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phân tán, manh mún, công nghiệp hỗ trợ còn non yếu. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới được xác định là cần phải đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế nổi bật để có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới. “Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại không đồng đều, sự bứt phá tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có yếu tố xuất khẩu, đầu tàu là khối FDI, trong khi các doanh nghiệp nội địa vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh sức cầu trong nước phục hồi yếu hơn mong đợi” - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Trong 10 năm, sẽ có 90 tỷ USD, gần bằng 50% GDP, đổ vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Lĩnh vực này cũng chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. “Cách đây 10 năm, xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng hóa thông thường, còn hiện nay rất đa dạng. Thậm chí, một số mặt hàng có giá trị cao như điện thoại di động, đồ điện tử” - bà Kwakwa nói. Tuy nhiên, tỷ trọng này còn nhỏ hơn nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia. Bà Kwakwa cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế để phát triển nhờ vị trí gần chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lực lượng lao động dồi dào, lương và chi phí thấp. Việt Nam cũng đang cởi mở thương mại, hội nhập... và là quốc gia có tiềm năng thị trường lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng lên.
Nhiều ý kiến, tham luận tại hội thảo cũng đã làm rõ những thuận lợi, thời cơ và thách thức đối với việc trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015 của Việt Nam. Đồng thời, cũng nêu ra nhiều đề xuất, giải pháp toàn diện và đồng bộ như: cần phải có các quyết sách mạnh mẽ, đặc biệt dành nguồn lực thích đáng cho phát triển công nghiệp chế tạo. Cần tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm sản xuất linh kiện, phụ kiện, nguyên phụ liệu và vật liệu cơ bản trên cơ sở tận dụng các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Cùng với đó, cần tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại thế hệ mới như TPP, với EU, với Liên minh thuế quan nhằm thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp nặng…
BẢO MINH