Đức - Pháp: Ôm mộng phục thù

Tuyển Đức sứt mẻ đến 3 vị trí chủ chốt trong đội hình sẽ phải đối đầu với đội chủ nhà đang cực kỳ hưng phấn sau chiến tích ở tứ kết. Nhưng ký ức hào hùng của chiến thắng vòng bán kết World Cup tại Brazil sẽ giúp Die Mannschaft vượt qua thách thức gian khó này.

Bán kết 2 - EURO 2016

* VTV3, BĐTV, TTTV, K+PM trực tiếp 2 giờ ngày 8-7

Tuyển Đức sứt mẻ đến 3 vị trí chủ chốt trong đội hình sẽ phải đối đầu với đội chủ nhà đang cực kỳ hưng phấn sau chiến tích ở tứ kết. Nhưng ký ức hào hùng của chiến thắng vòng bán kết World Cup tại Brazil sẽ giúp Die Mannschaft vượt qua thách thức gian khó này.

Trận chiến ở Marseille đêm nay sẽ là một thử thách khác với tuyển Đức sau khi họ vượt qua vòng tứ kết bằng chiến thắng lịch sử trước Italia. Trận đấu phải phân định bằng thi sút luân lưu đã khiến Đức mất trung vệ Mats Hummels vì án treo giò, trong lúc tiền đạo Mario Gomez cùng tiền vệ Sami Khedira đều không thể chơi trận bán kết với Pháp vì chấn thương. Tiền vệ lão làng Bastian Schweinsteiger bị sưng đầu gối nên HLV Joachim Loew quả quyết là nếu anh không hồi phục kịp vào thứ Năm, ông sẽ gạch tên ngay lập tức: “Tôi từng phạm sai lầm trong quá khứ khi sử dụng cầu thủ chưa đủ 100% thể lực. Vì thế lần này tôi sẽ không lặp lại lần nữa”.

Griezmann (11, Pháp) đi bóng qua tiền vệ Schweinsteiger (Đức).

Như vậy so với trận tứ kết thắng Pháp 1-0 ở World Cup 2014, lần gặp lại này tuyển Đức sẽ khuyết mất 6 vị trí (bao gồm 2 lão tướng đã “giải nghệ” là Philipp Lahm và Miroslav Klose) – một thay đổi quá lớn để hy vọng lặp lại thế thống trị của 2 năm trước. Nhưng Loew không ngại nhuệ khí bừng bừng của Les Bleus khi hạ gục Iceland 5-2, bởi ông tin vào bản lĩnh của đội bóng từng đánh bại đội chủ nhà Brazil 7-1 ở bán kết World Cup 2014. “Sẽ có đông đảo khán giả vào sân hậu thuẫn cho tuyển Pháp, đất nước đang phởn chí với chiến tích vừa qua, và họ sẽ tạo nên động lực to lớn. Quả là tuyệt khi chứng kiến bầu không khí cuồng nhiệt đó. Ở Brazil, tình thế cũng y hệt như vậy. Có đến 200 triệu người hậu thuẫn cho đội bóng và chúng tôi đã thích ứng tốt với thách thức đó”.

Thích ứng với hoàn cảnh

Loew tất nhiên không có tham vọng tái lập chiến thắng 7-1 ở bán kết, nhưng thông điệp từ trại tập huấn của Đức là rất rõ ràng: Chấp nhận thách thức. “Pháp sẽ có thêm nhiều tự tin sau chiến thắng đó, nhưng họ biết là chúng tôi có thể đương đầu với mọi thách thức”.

Người thay thế Gomez sẽ là Mario Goetze, nhưng anh sẽ không sắm vai trò số 9 giả mà sẽ đá cặp với Thomas Mueller, trong đội hình 4-4-2 chứ không phải sơ đồ 3-5-2 trong trận thắng Italia. Những gương mặt mới sẽ được đưa vào tuyến tiền vệ với Emre Can (Liverpool) và Julian Weigl (Borussia Dortmund) sẽ thế chỗ Khedira và Schweinsteiger để chơi vị trí thu hồi bóng ngay sau nhạc trưởng Toni Kroos và chuyên gia kiến tạo Mesut Oezil. Loew thừa nhận là Mannschaft “phải thay đổi và tìm những giải pháp cho hoàn cảnh hiện thời. Tôi tin tưởng mọi cầu thủ của mình”.

Người Pháp muốn phục thù

Thực tế là Đức lo lắng cho trận tứ kết hơn là bán kết, bởi họ chưa bao giờ thắng nổi Italia trong các giải lớn, ngược lại trong cuộc đối đầu với Pháp, Mannschaft luôn nắm phần trội hơn. Les Bleus để thua Đức ở tứ kết World Cup 2014 trên sân Maracana ở Rio de Janeiro bởi quả đánh đầu của Mats Hummels trong hiệp đầu. Người Pháp cũng chẳng bao giờ tha thứ cho tuyển Đức sau trận thua ở bán kết World Cup 1982. Trong giải đấu ở Tây Ban Nha năm đó, đôi bên đã hòa nhau 3-3 với 4 bàn trong hiệp phụ, trước khi tuyển Đức thắng 5-4 trong loạt sút luân lưu. Song trận đấu lưu dấu trong lịch sử bởi sự cố đầu trận khi cú vào bóng thô bạo của Harald Schumacher đã làm tiền đạo Pháp Patrick Battiston bất tỉnh và mất 2 cái răng, gãy 3 xương sườn. Trọng tài không thổi phạt Schumacher nhưng mối quan hệ giữa 2 nước đã xấu đi từ đó.

Loew từ chối bình luận về sự kiện 1982, nhưng khi nói về tuyển Pháp hiện thời, ông tin rằng sẽ khó chơi hơn so với Italia. “Pháp là đội bóng khó dự đoán. Họ có vài vấn đề khi bước vào giải nhưng bạn có thể thấy là sau bàn thắng sớm, họ chơi bùng nổ để dẫn 3-0 trong hiệp đầu. Họ sẽ có sự cổ động cuồng nhiệt ở Marseille, và sẽ thăng hoa với những tiền đạo sung sức như Giroud, Griezmann và Payet. Tôi thích trận này cũng vì những yếu tố đó”.

Tiền vệ Moussa Sissoko của Pháp quả quyết là Les Bleus đã tiến bộ vượt bậc so với 2 năm trước, “tiến bộ trên mọi góc độ, từ phòng thủ đến khả năng tấn công từ tuyến giữa. Chúng tôi không để lọt nhiều bàn ở giải này và phô bày nhiều phẩm chất trong tần công. Chúng tôi sẽ cố duy trì nhịp điệu tấn công của mình”.

Tuyển Pháp hy vọng rửa được mối hận thua Đức ở Espana 82 và Mexico 86, song dù có lợi thế sân nhà, Les Bleus vẫn cần ủng hộ của thần may mắn mới mong đánh bại được thủ thành bất trị Manuel Neuer.

Đội hình dự kiến

Đức (4-4-2): Neuer; Kimmich, Boateng, Howedes, Hector; Can, Kroos, Weigl, Ozil; Goetze, Mueller.

Pháp (4-3-3): Lloris; Sagna, Rami, Koscielny, Evra; Matuidi, Kante, Pogba; Griezmann, Giroud, Payet.

ĐỐI ĐẦU

13-11-2015 Pháp - Đức 2-0
04-7-2014 Pháp - Đức 0-1
06-2-2013 Pháp - Đức 1-2
29-2-2012 Đức - Pháp 1-2
12-11-2005 Pháp - Đức 0-0

SGGP Thể Thao dự đoán: Đức thắng 2-1

Tiến Trung 

Vô chiêu thắng hữu chiêu

Chỉ vài ngày trước, ngôi sao tài năng hàng đầu của Pháp là Ben Arfa chuyển đến thi đấu cho Paris SG khiến người ta nhớ lại việc HLV Deschamps đã thẳng tay loại cầu thủ này ra khỏi danh sách trước Euro 2016. Trường hợp tương tự, là Benzema và trước đó, là Nasri.

Người ta gọi đó là “tính cách Italia" của Deschamps, người thăng hoa khi còn thi đấu trong màu áo Juventus. Ông ta chọn một tập thể mạnh chứ không đặt niềm tin vào các ngôi sao. Ông ta sẵn sàng thay đổi cách chơi khi để những người như Pogba hay Griezmann ngồi dự bị. Deschamps sẵn sàng rút Giroud ra khỏi sân khiến tiền đạo nào mất cơ hội lập hattrick ở trận tứ kết gặp Iceland hòng giúp Gignac tìm cảm giác ghi bàn cho bằng được.

Đấy là Deschamps và đấy cũng chính làm điều nguy hiểm nhất mà người đồng nghiệp Joachim Loew nhìn thấy. Trước trận đấu với Pháp, nhà cầm quân tuyển Đức buộc phải thừa nhận Pháp còn khó đá hơn Italia. Vì sao? “Vì Italia chỉ có một phương án để giành chiến thắng nhưng với Pháp, họ có nhiều giải pháp, nhiều đội hình hơn”, Loew nói. Thật ra, là Loew muốn "huỵt toẹt” rằng Pháp “chẳng có chiêu thức gì cả”, thế mới khó.

Điều này thấy rõ ở trận tứ kết với Iceland, một đội bóng giỏi về phòng thủ và biết cách phá lối chơi của đối phương nhưng chỉ trong hiệp 1, Pháp ghi đến 4 bàn, lập 1 kỷ lục. Không phải Iceland vỡ trận, cái chính là họ không thể nào biết Pháp đá ra sao để tìm cách ngăn chặn.

***

Trận đấu giữa Pháp và Đức có thể nói là cuộc đối đầu của “vô chiêu” và "hữu chiêu”. Ai cũng thấy, Đức đang đá bằng một hệ thống cực kỳ khoa học. Họ tính toán cẩn thận trên từng trận đấu, kiểm soát mọi thứ ngay từ khi bóng lăn và giải quyết các khó khăn bằng sự đa năng của các vị trí. Ngược lại, cho đến trận bán kết, chưa ai khẳng định được Pháp đang chơi với sơ đồ nào chính thức? Một vị trí quan trọng như Pogba, nếu có ngồi dự bị ở trận sắp đến cũng đừng có ai ngạc nhiên.

Ở buổi họp báo trước trận đấu, khi được hỏi làm thế nào để giúp Pogba “khôi phục" lại giá trị của mình, ông Deschamps trả lời tỉnh rụi: “Tôi chả có gì phải “tái phát hiện" lại cậu ta cả bởi đơn giản, tôi có mất cậu ta bao giờ đâu”. Nếu ông Deschamps nói thật, thì phải chăng việc Pogba chơi chưa đúng với kỳ vọng chẳng qua là do ông Deschamps muốn như vậy. Người ta gọi Pogba là ngôi sao, là “linh hồn” của Les Blues nhưng với Deschamps, anh ta chỉ là một vị trí chiến thuật và khi cần thiết, “linh hồn" ấy phải đá dự bị hoặc bị rút ra khỏi sân sớm.

Cái “chất" ấy xuất phát từ những năm tháng mà Deschamps chơi bóng tại Italia, nơi mà chiến thuật là điểm tựa của mọi thành công và là thứ duy nhất có ý nghĩa trong mọi trận đấu, buộc cầu thủ phải phục tùng. Pháp có thể “vô chiêu", qua cách chơi khó định hình sau 5 trận đã qua. Pháp có thể không thuyết phục được người hâm mộ của mình bởi sự thất thường và những thay đổi khó đoán từ Deschamps. Tuy nhiên, trên con đường đi đến trận chung kết, Deschamps cho thấy ông vẫn đang là một thuyền trưởng cừ khôi để dẫn dắt con tàu Pháp đi đến tận bến bờ mong đợi...

Đăng Linh

***

* Đây là lần đầu họ chạm trán ở EURO nhưng là lần thứ 5 ở các giải lớn. Pháp thắng lần đầu (6-5 năm 1958), trong lúc Đức thắng cả 3 lần còn lại: thắng luân lưu 8-7 năm 1982, 2-0 năm 1986 và 1-0 năm 2014.

* Alain Giresse là cầu thủ Pháp cuối cùng tung lưới Đức ở giải đấu lớn (trong trận hòa 3-3 ở bán kết World Cup 1982).

* Đức vào bán kết trong 6 vòng chung kết gần nhất (từ 2006 đến giờ) đó là chuỗi dài nhất của một đội bóng châu Âu. Tuy nhiên, Đức không thắng EURO trong 20 năm qua, cùng là chuỗi khô hạn dài nhất lịch sử giải.

* Đức thắng 14 trong 18 trận ở các giải lớn, hòa 3 và thua chỉ 1 (thua Italia 1-2 ở bán kết EURO 2012)

* Đức giữa sạch mành lưới đến 4 trong 5 trận ở EURO 2016. Bàn thua duy nhất là quả phạt đền trước Italia.

* Đức kiểm soát bóng bình quân 72% trong vòng bảng, 61% trong vòng knock-out.

* Đức thắng 6 loạt sút luân lưu ở các giải lớn. Họ chỉ thua 1 lần cách đây 40 năm, trong trận chung kết EURO 1976 với Tiệp Khắc.

* Pháp vào bán kết lần đầu tiên kể từ World Cup 2006.

* Pháp bất bại trong 17 trận sân nhà ở các giải lớn. Lần cuối cùng họ thua là tháng 7-1960 trước Tiệp Khắc (0-2)

* 45% bàn thắng của Pháp ở EURO 2016 là bằng đánh đầu (5 trong 11 bàn).

* Pháp thua chỉ 1 trong 12 trận chơi ở sân Vélodrome (thắng 8, hòa 3), đó là trận thua Argentina tháng 2-2009 (0-2).

THANH NHƯ


Ngột ngạt trên từng ngọn cỏ

Giống như trận tứ kết Đức - Italia, trận bán kết 2 trên sân Velodrome hứa hẹn sẽ là đỉnh cao của chiến thuật. Điều đó sẽ tạo nên sự căng thẳng trên từng mét vuông mặt sân.

Trong cuộc chiến của tập thể, vẫn sẽ có những cuộc đối mặt giữa từng cá nhân ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chung.


Jerome Boateng - Antoie Griezmann

Boateng là người mắc lỗi dẫn đến việc Đức bị thổi phạt đền trong trận tứ kết với Italia. Một lỗi khó hiểu, nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy Boateng là nạn nhân trong tình huống cài người của Chiellini, để rồi hoàn toàn không có phản ứng nào. Hơn nữa, xét chung lại thì Boateng vẫn là cầu thủ chơi tốt nhất ở hàng thủ Đức, khi anh bọc lót cho Mats Hummels đầy hiệu quả, và cản phá gần như mọi nơi.

Boateng (trái) và Griezmann sẽ là cuộc đối đầu thú vị.

Trước chủ nhà Pháp, Hummels vắng mặt vì án treo giò, nên Boateng đá cặp với Hoewedes. Nhiệm vụ mà Boateng đối mặt là rất nặng: ngoài việc cố gắng kết nối cùng Hoewedes, anh còn phải hóa giải cách chơi của hàng tiền đạo Pháp. Olivier Giroud là mũi nhọn trong hệ thống 4-2-3-1, nhưng Griezmann mới là cầu thủ dứt điểm chủ lực của Pháp. Giroud sẽ tạo áp lực và di chuyển rộng ra ngoài, nhằm tạo khoảng trống cho Griezmann.

Hiện tại, Griezmann đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới với 4 bàn. Anh cũng có 2 pha kiến tạo cho các đồng đội lập công, và là cầu thủ có ảnh hưởng vào bàn thắng nhiều nhất EURO 2016. Griezmann có thừa kỹ thuật và độ khôn ngoan của học trò Diego Simeone. Boateng cũng không thiếu kinh nghiệm trong việc kèm người. Vì thế, đây sẽ là cuộc đọ sức hấp dẫn. Không loại trừ khả năng, sau cuộc thư hùng này, họ sẽ trở thành đồng đội ở Bayern Munich.

Mesut Oezil - Blaise Matuidi

Trận thắng Iceland 5-2 đưa HLV Didier Deschamps đến với quyết định gạt bỏ 4-3-3 để đá 4-2-3-1. Chiến thuật này dẫn đến việc Kante không có cơ hội, dù anh vừa hoàn thành xong án treo giò. Sissoko đá lệch phải, trong khi Matuidi và Pogba trở thành cặp tiền vệ trung tâm. Vai trò của Pogba là tổ chức thế trận và phân phối bóng. Thế nên, dù là một tiền vệ năng động nhưng Matuidi sẽ phải làm nhiệm vụ thiên về đánh chặn ở trận bán kết.

Ở đây nhiệm vụ cụ thể của Matuidi là chặn đứng Oezil. Phong độ của Oezil không phải tốt nhất như anh thể hiện ở World Cup cách nay 2 năm. Tuy nhiên, Oezil vẫn rất nguy hiểm một khi có khoảng trống. Cách mà Oezil băng lên dứt điểm tung lưới Italia chính là bài học cho hàng thủ Pháp và bản thân Matuidi. Cùng với việc kèm người, Matuidi còn phải hạn chế tối đa sự liên kết giữa Oezil với Toni Kroos - được đánh giá là những trái tim làm nên lối chơi cho Đức.

Matuidi phải có thể lực tốt nhất để hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề của mình. Ngược lại, Oezil cũng sẽ không thoải mái chút nào để có thể tung ra những pha chuyền bóng nguy hiểm. Matuidi là một thách thức đáng ngại cho nhạc trưởng của tuyển Đức.
Mario Goetze - Patrice Evra

Chấn thương của Mario Gomez đưa Mario Goetze trở lại đội hình chính. Nhưng Goetze sẽ không đá mũi nhọn, khi vai trò đó dành cho Thomas Mueller, dù thực tế cả hai đều chưa biết ghi bàn. Goetze thay thế Mueller để đá tấn công cánh phải. HLV Joachim Loew muốn khai thác tốc độ và sự lắt léo của Goetze để đánh thẳng vào vị trí của Evra bên cánh trái tuyển Pháp.

Evra có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng ngự, và biết tham gia tấn công đúng thời điểm. Nhưng Evra đã không còn trẻ nữa. Ở tuổi 35, Evra không đảm bảo thể lực trong 90 phút cường độ cao. Chiến thắng 5-2 trước Iceland ở tứ kết là minh chứng. Evra đá rất tốt hiệp 1, nhưng sau đó anh xuống sức. Không chỉ mắc sai lầm vị trí dẫn đến tình huống Iceland ghi bàn, mà Evra còn không biết kèm người. Evra may mắn không bị thổi phạt đền trong một pha để bóng chạm tay trong vòng cấm.

Goetze có tốc độ và thể lực của một ngôi sao trẻ. Đồng thời, phía sau anh còn có Kimmich trẻ trung, đầy khát vọng thể hiện mình. Với sự kết hợp Goetze - Kimmich, Đức quyết làm tê liệt hoàn toàn cánh trái Les Bleus mà Evra đảm nhiệm.

Ngọc Huy

Tin cùng chuyên mục