Đun nước bằng... ánh nắng

Đun nước bằng... ánh nắng

Hàng ngàn hộ dân ở Hà Nội đang đua nhau lắp đặt những giàn đun nước nóng trên mái nhà để thay thế bình tắm nóng lạnh quen thuộc trong phòng tắm, nhằm tiết kiệm tối đa lượng điện. Đây là những sản phẩm thuộc dự án biến năng lượng mặt trời thành nhiệt năng do nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu năng lượng mới (Trường Đại học Bách Khoa) vừa sáng tạo ra.

Hệ thống hấp thụ ánh nắng mặt trời để đun nước nóng của Trung tâm năng lượng mới

Hệ thống hấp thụ ánh nắng mặt trời để đun nước nóng của Trung tâm năng lượng mới

Theo tiến sĩ Trần Quốc Giám, chủ trì dự án đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, nguyên lý hoạt động của thiết bị trên rất đơn giản, đó là dựa theo nguyên lý hiệu ứng nhà kính (biến quang năng thành nhiệt năng). Thiết bị đun nước nóng mặt trời gồm 2 bộ phận chính là bộ thu mặt trời và bình tích nước nóng. Bức xạ mặt trời xuyên qua kính, đập lên tấm hấp thụ. Tấm hấp thụ nhận nhiệt, nóng lên và bức xạ nhiệt ra xung quanh. Vì đáy và xung quanh bộ thu mặt trời được cách nhiệt nên nhiệt truyền ra ngoài rất ít. Do đó, năng lượng thu vào làm cho tấm hấp thụ nóng lên và làm nóng nguồn nước chạy qua bên dưới.

Theo thiết kế, một giàn hấp nhiệt quy mô gia đình, loại có dung tích 75-120 lít/lần, thì cứ 1m2 kính hấp nhiệt có thể “đun” 75 lít nước lên độ nóng đạt 75-80 độ C (thậm chí lên tới 85-90 độ C hoặc sôi, nếu tiết giảm dung tích nước trong bể). Giá thành của một sản phẩm như vậy chỉ khoảng 4 - 4,6 triệu đồng, có thể sử dụng 20 năm.

Ngoài việc để tắm nóng lạnh, nguồn nước và nhiệt thu được có thể dùng để sưởi ấm, làm sôi, tẩy rửa dụng cụ, phơi sấy lương thực, thực phẩm…

Trong quá trình làm thử nghiệm, các chuyên gia đã chọn làng Bình Đà thuộc huyện Thanh Oai (Hà Tây) để lắp đặt 6 giàn thiết bị hấp nhiệt. Chỉ sau 1 tháng, số lượng giàn đã nhân ra gần như khắp làng. Bởi vì thiết bị này đã chứng tỏ cho người dân sở tại thấy rằng nó hoàn toàn có thể thay thế loại bình nóng lạnh mà họ vẫn xài, giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện. Đồng thời có thể khắc phục triệt để hậu quả ô nhiễm môi trường do việc sử dụng chất đốt để đun nước nóng, giá thành lại rẻ, quá trình lắp đặt, vận hành, sử dụng tương đối tiện lợi.

Theo nhóm chuyên gia, kể từ khi đưa vào áp dụng rộng rãi đến nay, ở Hà Nội đã có hơn 1.000 hộ gia đình (khu vực tư nhân) sử dụng loại thiết bị trên và ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đã lắp đặt hơn 10 giàn hấp nhiệt lớn cho khu vực tập thể (khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, trạm y tế) và các doanh nghiệp. Mới đây, Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Lò Đúc - Hà Nội) đã thuê lắp đặt một giàn hấp nhiệt quy mô lớn để đun nóng khoảng 4.500 lít nước/ngày, phục vụ cho hoạt động sấy khô gỗ. Còn Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) thì lắp đặt giàn đun nước nóng với dung tích lên tới 6.000 lít để phục vụ cho khoảng 300-400 sinh viên tắm, thay vì phải sử dụng hàng trăm bình tắm nóng lạnh.

 ° Hiện nay ở nước ta có khoảng 5 triệu bình đun nước nóng bằng điện, công suất mỗi bình khoảng 2,5KW. Nếu mỗi bình mỗi ngày sử dụng 1 giờ thì lượng điện tiêu tốn là 2,5KWh. Và lượng điện cho 5 triệu bình là: 12.500.000 KWh/ngày. Trong 1 năm tổng lượng điện phải “xài” để đun nước nóng bằng điện là: 4,56 tỷ KWh/năm, tức gần bằng 10% tổng năng lượng điện của cả nước.

° Hiện trên thế giới đã có khoảng 120 triệu m2 bộ thu năng lượng mặt trời. Trong đó, trên 60% là sản phẩm của Trung Quốc, Cộng đồng châu Âu, Nhật, Ấn Độ, Australia, Mỹ... Tại Israel và Síp, khoảng 80% số hộ sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng mặt trời, còn tại Nhật là 20%. Tốc độ phát triển thiết bị này trên thế giới tăng từ 16%-17%/năm, riêng Trung Quốc là 26%-27%/ năm.


VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục