Đừng bắt người dân chịu

Cuộc họp mới nhất giữa Đài K+ và các thành viên của Hiệp hội Bản quyền truyền hình trả tiền VNPayTV với mục đích chia sẻ bản quyền giải ngoại hạng Anh (EPL) kết thúc không ngoài dự đoán. Với những điều kiện từ K+ đưa ra, không có đài nào chấp nhận.

Theo tinh thần buổi họp trên, không khó để dự báo, dù có họp thêm nhiều lần nữa, kết quả vẫn như cũ. Bởi cần phải thấy rõ bản chất vấn đề rằng, đây là những cuộc họp giữa các đơn vị đang kinh doanh và cạnh tranh lẫn nhau, giữa một bên đang được độc quyền và các bên đòi chia sẻ, sự khác biệt là quá rõ, không thể tìm được sự đồng thuận, nếu không có bên thứ 3, mà cụ thể là cơ quan quản lý can thiệp.

Nhưng theo nhiều chuyên gia, chuyện đã đến mức này, tức là khi K+ đã sở hữu gần như toàn bộ các gói phát sóng độc quyền lẫn không độc quyền thì không thể làm gì được nữa!

Ở thời điểm hiện nay, mọi sự can thiệp hành chính đều có khả năng vi phạm đến những luật hiện hành liên quan đến kinh doanh, đầu tư. Đây chính là nút thắt của câu chuyện độc quyền EPL kéo dài suốt 3 tháng qua, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến giá bản quyền lên cao chóng mặt. Trước mắt, người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ không thể xem bóng đá Anh ở dạng miễn phí hoặc mức giá thấp. Hàng chục triệu người mê bóng đá Anh tại Việt Nam sẽ phải tốn thêm ít nhất 150.000 đồng/tháng và cả chi phí cho thiết bị đầu thu. Mặc dù các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền tại Việt Nam luôn dùng chính người xem làm lý do tranh đấu, buộc K+ phải chia sẻ, nhưng trên thực tế, phần đầu lẫn phần cuối của câu chuyện này khán giả vẫn là người chịu thiệt.

Đây là điều gây bức xúc từ lâu nhưng các cơ quan quản lý, mà cụ thể là Bộ Thông tin - Truyền thông quá thụ động. Xin nhắc lại: vấn đề độc quyền bản quyền EPL đã có từ 10 năm trước và K+ cũng đã từng độc quyền ngày chủ nhật trong 3 mùa bóng vừa qua. Nếu người ta muốn ngăn chặn sự việc đang xảy ra thì đã ngăn chặn từ lâu, nhất là lúc thành lập VNPayTV hồi năm 2011. Những vấn đề nhạy cảm, có ảnh hưởng đến số đông người tiêu dùng thông thường cần phải được cơ quan quản lý dự báo và điều chỉnh sớm. Ngay tại Anh, không có đài truyền hình nào được phép sở hữu quá 2/3 các gói phát sóng, cho dù trả bao nhiêu tiền đi nữa. Cạnh chúng ta, Chính phủ Singapore cũng phải ban hành luật để yêu cầu các đài truyền hình dù có độc quyền sản phẩm nào đi nữa, cũng bắt buộc chia sẻ cho đài khác nếu người tiêu dùng có nhu cầu. Trong kinh doanh mang tính thị trường, độc quyền là một hình thái đương nhiên tồn tại và người ta chỉ “chống độc quyền”, “hạn chế độc quyền” bằng cách tạo ra những quy định và khung hành lang pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng mà không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các công ty.

Tại Việt Nam, qua câu chuyện độc quyền EPL, có thể thấy người tiêu dùng chưa bao giờ được đặt vào trọng tâm của vấn đề. Bản thân những thành viên VNPayTV lúc đầu cũng chỉ tìm cách ngăn chặn K+ độc quyền (một kiểu cạnh tranh kinh doanh) chứ không ngồi lại với nhau để bàn cách làm sao có thể bảo vệ quyền lợi các thuê bao của họ trong trường hợp một đài nào đó sẽ mua gói độc quyền. Giả sử như các quy định vì quyền lợi người tiêu dùng ấy có từ trước thì chắc chắn Chính phủ sẽ chỉ đạo từ đầu và chính các đài khi bỏ tiền mua độc quyền cũng phải cân nhắc thiệt hơn. Thậm chí, chính các đối tác nước ngoài cũng phải tính toán chuyện chia nhỏ các gói độc quyền bởi họ cũng phải ngại sẽ không thể bán được trước những ràng buộc của pháp luật tại Việt Nam.

Nhưng khổ nỗi, dường như việc ngăn chặn độc quyền mà cụ thể là trường hợp bản quyền EPL tại Việt Nam không có ai chịu trách nhiệm, cuối cùng chỉ có người dân phải tự nhìn vào túi tiền của mình và quyết định xem hay không xem.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục