Đừng “bêu” học sinh trước lớp

Dư luận lại vừa xôn xao về việc một giáo viên của Trường Tiểu học Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) phạt học sinh lớp 2 phải nghỉ học nhưng phụ huynh không hề biết, trong khi học sinh lớp 2 chưa đủ năng lực để xử lý hết mọi việc. 
Câu chuyện được biết đến khi phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội. Cụ thể, con chị đã mắc những lỗi mà cháu đã trình bày trong bản kiểm điểm, như: “4 lần bạn quay xuống nói chuyện với con; 3 lần mỏi người con tự đứng dậy nên bị cô giáo nhắc và phạt đứng tại chỗ làm bài. Cô giáo yêu cầu học sinh nghỉ học 1 ngày và về thông báo với mẹ, nhưng con không báo nên ngày hôm sau mẹ vẫn đưa con đến trường. Con bị khiển trách thêm một khuyết điểm là đã không nói mẹ gọi điện cho cô”.
Việc này khiến phụ huynh bức xúc: con có lỗi thì phải nghỉ học là đương nhiên, (nhưng lỗi phải ở mức độ nào đó và phải có biên bản, có ý kiến của ban giám hiệu nhà trường và cô chủ nhiệm). Con mới học lớp 2 và cô giáo cho nghỉ học nhưng lại chỉ yêu cầu con về nói với bố mẹ mà cô không hề trao đổi với phụ huynh. Khi mẹ đón thì thấy con khóc lóc, các bạn trong lớp xúm lại kể vì hôm qua cô phạt bạn nghỉ học nhưng bạn không nghỉ nên hôm nay cô nói bạn trước lớp...
Tưởng chỉ là câu chuyện nhỏ, nhưng khi câu chuyện này được chia sẻ, đã được nhiều người quan tâm. Ngay khi vụ việc xảy ra, hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành Công đã gặp gỡ báo chí nêu rõ quan điểm hình thức áp dụng kỷ luật đó là sai, và bản thân cô giáo đã nhận ra điều đó. Sau câu chuyện này, lại thêm một lần nữa bài học về ứng xử của giáo viên đối với học sinh, nhất là những học sinh tiểu học còn nhỏ dại được xới lên. 
Chuyện thưởng, phạt sao cho vừa có tính răn đe, vừa tăng hiệu quả giáo dục đối với học sinh luôn là vấn đề nóng khi bàn đến ứng xử trong nhà trường. Ai cũng hiểu, trong giáo dục học sinh tiểu học đòi hỏi giáo viên phải luôn kiên trì, vừa dạy vừa dỗ và tuân thủ quy tắc: không xúc phạm thân thể và xúc phạm lời nói đối với học sinh. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, hiện có quá nhiều giáo viên áp dụng “phạt”, nhận xét học sinh theo kiểu xúc phạm thân thể và xúc phạm lời nói đối với các em. Không ít thầy cô giáo nói thẳng với các em trước lớp “đã học dốt thế thì dạy thế nào cũng chỉ dốt mà thôi” hoặc “em không xứng đáng nhưng vì có mẹ trong ban phụ huynh nên mới được chọn”…
Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT hướng dẫn về đánh giá học sinh tiểu học đã yêu cầu giáo viên căn cứ vào các biểu hiện về nhận thức, kỹ năng, thái độ của học sinh ở từng năng lực, phẩm chất để nhận xét, có biện pháp giúp đỡ kịp thời; khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển năng lực, phẩm chất… Tuy nhiên, thực tế không ít giáo viên đã nhận xét, đánh giá học sinh theo kiểu “bêu” trước cả lớp. Điều này chắc chắn sẽ gây nên vết hằn và hệ lụy lớn về tâm lý đối với một nhân cách đang trong quá trình hình thành. Những “hình phạt” đó có thể khiến các em trở nên chai lì và mất dần hứng thú học tập, khiến các em bỗng dưng bị gắn mác thương hiệu “cá biệt” và thấy tự ti, mặc cảm với bạn bè. 
Cô giáo như mẹ hiền, hãy cân nhắc kỹ trước khi áp dụng một hình thức kỷ luật nào đó với những học sinh nhỏ tuổi của mình, đừng biến các em trở thành những con chim đáng thương luôn sợ cành cong…

Tin cùng chuyên mục