Đừng biến cổ tích thành kim tích

Văn học dân gian luôn là chiếc nôi màu nhiệm nuôi lớn những giá trị người ở mọi thời đại, mọi dân tộc. Cổ tích là một trong những thể loại chủ đạo, tiêu biểu nhất trong dòng văn học dân gian. Mỗi chuyện cổ tích còn lại với chúng ta hôm nay là mỗi viên ngọc quý đã được mài dũa trau chuốt trong suốt không gian và thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì thế mặc nhiên nó được định hình như một khối kim cương không thể thay đổi. Đến với truyện cổ tích chúng ta không chỉ đến với những bài học nhân văn, nhân bản sâu sắc mà còn đến với một kho báu trầm tích vô giá để ta khám phá những gì là tâm hồn Việt, Văn hóa Việt và bản sắc Việt. Mọi sự tác động dưới bất cứ mục đích, tư tưởng gì làm thay đổi, biến dạng truyện cổ tích, nhất là ở những tình tiết nhạy cảm đều vô tình xúc phạm những giá trị đích thực, những tư tưởng sâu sắc mà cha ông ta gửi gắm ở đó.

Với Tấm Cám, một trong những truyện cổ tích hay nhất, đặc sắc nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, hẳn không một ai trong hành trang trưởng thành của mình lại không có nó trong bộ nhớ qua lời kể của ông bà, cha mẹ, thầy cô, sách báo. Thời gian gần đây câu chuyện đầy ly kỳ hấp dẫn này bỗng dưng bị loại ra khỏi chương trình dạy nội khóa bộ môn ngữ văn. Đây là một thiệt thòi lớn cho thế hệ trẻ. Khi được hỏi, các nhà thiết kế sách cho rằng câu chuyện đó vẫn rất hay, rất tiêu biểu song cái kết của nó quá tàn nhẫn, thiếu tính nhân văn, nhân hậu thuần Việt, rất không nên để các em tiếp xúc. Lại có người khi chép lại truyện này họ đã mạnh tay “sáng tác” cái kết theo suy nghĩ của họ.

Thay bằng việc dội nước sôi cho Cám chết rồi làm mắm gửi cho mụ dì ghẻ, khi phát hiện ra đầu lâu con mụ lăn đùng ra chết, tác giả đã cải hóa thành tình tiết: ông vua, chồng của Tấm khi biết mọi chuyện đã đuổi mẹ con Cám khỏi cung. Và thế là trên đường về cả hai mẹ con Cám liền bị sét đánh chết (cũng có sách ghi là bị hổ ăn thịt). Cách suy nghĩ và hành xử như vậy phải chăng là chủ quan, gán ép, lợi bất cập hại?

Ngày truyện Tấm Cám còn trong chương trình học nội khóa (những năm 70 của thế kỷ trước), khi dạy bài này đến phần kết, tôi đã từng cho học sinh tranh luận với câu hỏi: Có người nói Tấm giết mẹ con Cám như vậy dã man quá, không đúng với bản chất hiền lành của Tấm. Các em có đồng tình không? Vì sao? Hầu hết các em đều phản đối với lý lẽ thật hồn nhiên đơn giản mà rất chí lý: Tấm trừng trị mẹ con Cám như vậy là hợp lẽ. Bởi mẹ con Cám đã giết Tấm tới bốn lần (chặt cau, bóp chết chim Vàng Anh, đẵn xoan đào, đốt khung cửi) nên buộc Tấm phải hành động quyết liệt như vậy. Vâng! Ác giả ác báo. Gieo gió ắt gặt bão. Con giun xéo lắm cũng oằn. Cách trừng trị của Tấm đối với mẹ con Cám như vậy nếu xét về lô-gic tâm lý của người Việt cũng là xác đáng. Trên thế giới thật hiếm có phụ nữ nước nào lại dịu dàng nết na, chịu thương chịu khó như ở đất nước mang dáng dải lụa mềm mại hình chữ S này.

Song cũng không ở đâu phụ nữ lại dũng mãnh, anh hùng như ở Việt Nam. Khi cần họ sẵn sàng cầm gươm “Cưỡi voi ra trận cứu nguy giống nòi”. Sự thống nhất giữa hai mặt đối lập đó đã tạo nên nét độc đáo trong nhân cách người phụ nữ Việt từ ngàn xưa. Chính vì lẽ đó nên trong thế giới quan và nhân sinh quan của người bình dân: cách trừng trị của Tấm với mẹ con Cám như thế mới thỏa, mới đích đáng, mới đủ sức răn đe và loại cái ác dã man có chủ đích ra khỏi đời sống xã hội. Nói theo kiểu ngày nay là mẹ con Cám không còn khả năng cải tạo, mất hết nhân tính. Và đó chính là cách thể hiện tính nhân văn, lòng nhân hậu một cách sòng phẳng nhất, chân lý nhất. Tất nhiên những ý kiến khác cũng rất cần được quan tâm, tham khảo.

Khi bàn thảo vấn đề này có thể có đôi điều chưa thống nhất cũng là dễ hiểu. Mong sao truyện Tấm Cám dù theo dị bản nào vẫn mãi là truyện cổ tích đúng nghĩa như nó vốn có chứ không phải truyện kim tích như ý chủ quan của không ít người.  

Nhà giáo NGUYỄN NGỌC KÝ

Tin cùng chuyên mục