Cuối tuần qua, Bộ GD-ĐT đã công bố đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. So với dự thảo đề án trình Hội nghị Trung ương 6, dự thảo lần này đã chỉnh sửa, bổ sung và làm sáng tỏ nhiều nội dung. Rất nhiều vấn đề nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đã được đặt ra mà theo nhiều đánh giá, sẽ làm lay chuyển cả nền giáo dục hiện hành, tác động trực diện đến thầy, trò và toàn bộ hệ thống. Một trong những nội dung được quan tâm bậc nhất và cũng nhận được nhiều phản hồi hiện nay là đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá. Đây được coi là đổi mới mang tính đột phá.
Từ thực tế thi cử hiện nay, Bộ GD-ĐT đề xuất hướng đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ trong giai đoạn tới bằng cách đổi mới chương trình giáo dục THPT theo hướng tăng cường phân hóa, định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị tốt cho học sinh học ĐH-CĐ. Theo đó, học sinh lớp 11, 12 sẽ chỉ còn 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ, có nhiều môn học hoặc chủ đề để học sinh tự chọn gắn với định hướng nghề nghiệp sau này. Đi liền với đó là ngành giáo dục triển khai phong phú các hình thức kiểm tra, thi và đánh giá trong quá trình dạy học, việc công nhận tốt nghiệp THPT phải dựa trên kết quả đánh giá cuối cấp học. Trong đó, đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong môn/lĩnh vực học tập nào thì đánh giá kết quả học đạt chuẩn đầu ra môn/lĩnh vực đó.
Trong kỳ thi cuối cùng (thi tốt nghiệp), đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực/môn học để giải quyết một vấn đề chung theo 2 lĩnh vực lớn là khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi 2 môn toán và ngữ văn. Về tuyển sinh ĐH-CĐ, các trường tổ chức tuyển sinh theo hướng: dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra/thi thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường.
Như vậy, với cách đổi mới này, kỳ thi ĐH-CĐ theo hình thức “3 chung” hiện nay sẽ chấm dứt. Sẽ không còn điểm sàn. Không còn kỳ thi ĐH-CĐ mang tính toàn quốc. Việc tuyển sinh lúc đó thực hiện theo Luật Giáo dục đại học, đó là các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Họ có thể thi riêng, có thể xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá học tập và kết quả tốt nghiệp.
Trao đổi với PV Báo SGGP về phương án đổi mới thi cử này, PGS Văn Như Cương hoàn toàn ủng hộ nếu tổ chức được một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, kết quả đàng hoàng. Kết quả thi tốt nghiệp chính là sàn để vào ĐH-CĐ của học sinh. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là kỳ thi tốt nghiệp THPT phải được tổ chức nghiêm túc, không phải là kết quả đậu 98% như hiện nay. PGS Văn Như Cương cũng hoàn toàn đồng tình với cách thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ còn 2 môn văn - toán thay vì 6 môn như hiện nay.
Khi thực hiện phương án đổi mới này, nếu trường ĐH ít thí sinh đăng ký thì có thể xét tuyển dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT của học sinh. Đây cũng là cách mà nhiều trường ĐH ngoài công lập từ trước đến nay rất mong đợi. Còn đối với các trường ĐH tốp trên, tốp giữa có nhiều thí sinh đăng ký, họ sẽ tổ chức thi riêng vì được tự chủ tuyển sinh. Hoặc nhiều trường sẽ kết hợp giữa xét tuyển và thi đầu vào. Không hoàn toàn là bỏ thi ĐH-CĐ như dư luận đang lo ngại.
Về cơ bản, nhiều ý kiến ủng hộ phương án đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT. Nói như GS Nguyễn Minh Thuyết, học sinh học 12 năm thì phải thi tốt nghiệp, không thể bỏ thi vì sẽ khiến học sinh lơ là việc học. Thi tốt nghiệp ít môn hơn, nhẹ nhàng hơn là hướng đi lý tưởng nhất. Còn tuyển sinh ĐH-CĐ do các trường tự chủ. Đây cũng là cách mà hầu hết các nước phát triển đang làm. Nếu trường đại học tuyển đầu vào dễ dãi, đào tạo hời hợt, sinh viên ra trường không có việc làm thì xã hội sẽ quay lưng, các trường khó tồn tại.
Tất nhiên, đổi mới thi cử, giao tự chủ tuyển sinh cho các trường sẽ đạt hiệu quả cao nếu Bộ GD-ĐT chú trọng công tác giám sát, kiểm định chất lượng đào tạo. Bởi thực tế đã chứng minh, buông lỏng hậu kiểm, tất sẽ dẫn đến hỗn loạn.
PHAN THẢO