Thủy điện Sông Tranh 2 chưa dứt được mối lo của người dân về sự an toàn sau những trận động đất, dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vẫn gây những tranh cãi chưa có hồi kết... Các mối lo về các dự án thủy điện lại càng tăng lên khi mới đây, đập thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai) lại bị vỡ do thi công không đúng thiết kế. Câu hỏi một lần nữa được xới lên là có bao nhiêu công trình thủy điện trên cả nước đã, đang và sẽ phải đối mặt với nguy cơ về sự thiếu an toàn?
Về thẩm định chất lượng đập thủy điện, theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, tính đến tháng 4-2013, tổng số đập thủy điện đến kỳ phải kiểm định là 104 đập, trong đó 53 đập đã được kiểm định xong, 15 đập đang được kiểm định và 36 đập chưa kiểm định (chủ yếu là các đập thủy điện nhỏ). Còn về số lượng các dự án, công trình thủy điện, theo báo cáo của Bộ Công thương, cả nước hiện có tổng số 1.110 công trình, dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy khoảng 25.290MW.
Trong đó, có 239 công trình đã vận hành phát điện (13.066MW); đang thi công xây dựng 217 dự án (6.953MW), dự kiến vận hành phát điện từ nay đến năm 2017; đang nghiên cứu đầu tư 294 dự án (3.789MW), dự kiến vận hành phát điện chủ yếu trong giai đoạn 2015 - 2020; còn lại 360 dự án (1.482MW) chưa có nhà đầu tư đăng ký hoặc chưa giao nghiên cứu đầu tư, hầu hết có quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, chưa thuận lợi về giao thông và đấu nối điện...
Với một nước có hệ thống sông ngòi dày đặc thì việc tận dụng tiềm năng thiên nhiên này để phát triển các công trình thủy điện để cung ứng điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội là điều đáng ghi nhận. Nhưng nhìn vào những số liệu thống kê nêu trên, người dân không khỏi lo ngại khi có đến 360 dự án được đánh giá là quy mô nhỏ, hiệu quả thấp.
Thực tế đó cho thấy công tác quy hoạch các công trình thủy điện đang có những vấn đề nhất định. Còn việc có đến 1/3 số đập thủy điện đến hạn kiểm định nhưng chưa được kiểm định rõ ràng là vấn đề không thể không quan ngại. Nguyên nhân cho những bất cập hiện nay là theo phân cấp quản lý, thủy điện vừa và nhỏ do địa phương phê duyệt đầu tư, còn chất lượng công trình do chủ đầu tư tự lo. Chính điều này đã dẫn đến việc phê duyệt một cách “vô tội vạ” các dự án thủy điện và sự lỏng lẻo trong công tác thẩm định chất lượng công trình.
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã trình và Chính phủ đã thông qua Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Theo đó, thay vì như trước đây giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm chất lượng xây dựng thì theo Nghị định 15, chủ đầu tư vẫn là người quyết định nhưng thẩm định, tiền kiểm và giám sát chất lượng sẽ do cơ quan quản lý chuyên ngành của Nhà nước. Nhưng đó là chính sách áp dụng với những dự án chưa triển khai, còn những công trình đã và sắp đi vào vận hành, ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi những sự cố xảy ra?
Trong báo cáo mới đây tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát quy hoạch và tiến độ đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu an toàn; thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc lập, thẩm định dự án, thi công xây dựng và vận hành công trình... Còn Bộ Công thương cũng cho biết, đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương rà soát, đánh giá để kịp thời điều chỉnh hợp lý hoặc thu hồi để loại khỏi quy hoạch các dự án thủy điện đã và đang nghiên cứu đầu tư nhưng chưa khởi công xây dựng, có tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, xã hội, hiệu quả thấp...
Tất cả những bất cập, hạn chế của việc quy hoạch phát triển các dự án, công trình thủy điện đã được nhìn nhận và được các cơ quan của Chính phủ ráo riết thực hiện. Và người dân trông chờ vào những quyết tâm này của Chính phủ với nhiều hy vọng. Xin đừng để người dân xung quanh các dự án, công trình thủy điện vừa bị mất đất lại vừa luôn nơm nớp lo sợ về sự an toàn tính mạng do chất lượng công trình!
NGỌC QUANG