Thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM như Chợ Rẫy, Trưng Vương, Nhân dân Gia Định, Thủ Đức… đã cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc rượu, và sau vụ có đến 6 người chết vì rượu độc vừa xảy ra ở tỉnh Quảng Ninh đã khiến nhiều ma men - sáng xỉn chiều say phải… tỉnh rượu! Trong thời điểm cuối năm giáp tết, lượng rượu tiêu thụ trong dân tăng lên gấp nhiều lần. Xin gióng lên hồi chuông cảnh báo: Đừng chết vì rượu độc!
Từ rượu... thuốc
“Hễ ở đâu có quán nhậu, ở đó có rượu thuốc…”, đó là khẳng định chắc như… chân lý của một anh bạn… thường nhậu. Nhưng chất lượng của rượu thuốc bày bán nhan nhản ở các quán nhậu thì chỉ có người trong cuộc mới biết. Rượu thuốc hiện nay rất được dân nhậu bình dân ưa chuộng. Thứ nhất do rẻ tiền lại có màu, mùi… nên dễ uống, kế đến là tránh được hiện tượng bụng bia của mấy anh uống bia… sành điệu! Bước vào một quán nhậu bất kỳ nào, cho dù ở nông thôn hay phố thị, điều đầu tiên đập vào mắt là các dãy kệ trưng bày đầy những bình, hũ, chai… rượu ngâm đủ thứ loại với nhiều nhãn hiệu trông thật bắt mắt.
Chủng loại, giá cả của các loại rượu thuốc hiện nay khá… bèo, một xị rượu thuốc có khi không bằng một lon bia và tên hiệu như mê hồn trận, nào là thập toàn đại bổ; nhất dạ lục giao… rồi rượu Càn Long, Minh Mạng, nhân sâm mà trong đó người ta “bào chế” những thứ gì đố ai biết được? Ấy là chưa kể đến các loại rượu ngâm động vật như, ngũ xà, hải mã, tắc kè, bửa củi, pín dê, tay gấu… được chủ quán quảng cáo là rượu… đại bổ “ông uống - bà khen”. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, các loại rượu này chẳng có nguồn gốc xuất xứ gì cả.
Trên thị trường hiện có rất nhiều rượu thuốc thành phẩm được đóng chai vô hộp trông như rượu Tây thứ thiệt để làm quà biếu trong dịp tết đến. Mẫu mã nhãn mác đa dạng với vô số công dụng được “thổi” rất kêu nào là đại bổ, tăng cường sinh lực, tráng dương bổ thận… Người tiêu dùng thích thứ nào cứ việc mua về… nhậu hay bồi bổ cơ thể tùy ý. Tuy nhiên, theo đánh giá của các lương y và các nhà sản xuất có uy tín thì… hãy coi chừng, vì đa số rượu thuốc này thuộc loại “hàng chợ”, “rượu ghe” rất khó phân biệt thật, dỏm. Theo anh Sơn, người có kinh nghiệm trong nghề thì “rượu ghe” được chứa trong những can nhựa 20 lít trên những chiếc ghe thương hồ cặp ở các bến sông trong thành phố. Các tay buôn rượu đến lấy mối rồi chở đi bán lại cho các quán nhậu. Rượu trong các can nhựa ấy đủ màu sắc, mùi vị… sâm nhung, linh chi, hải mã, tắc kè, rắn… đều có đủ. Anh Sơn cho biết: “Những thứ đó chỉ là phẩm màu, hương liệu pha với cồn mà thôi!”.
Đến rượu... đế
Một người có nghề nấu rượu lâu năm cho biết, cách làm rượu đế truyền thống theo dạng thủ công là gạo, nếp nấu thành cơm rồi ủ với men từ 7 - 10 ngày, sau đó mới nấu thành rượu. Qua chưng cất hàm lượng methanol trong quá trình lên men thấp so với kiểm nghiệm và ít gây hại cho người tiêu dùng. Trung bình 10kg gạo, nếp sẽ nấu được một mẻ khoảng 7 lít rượu gốc và 5 lít rượu ngọn. Hai thứ pha trộn với nhau sẽ cho thành một loại rượu có nồng độ vừa phải.
Tình trạng xã hội hóa sản xuất và kinh doanh rượu tràn lan như hiện nay đã hình thành một công nghệ chế biến rượu quả là kinh khủng của một số thành phần bất chính. Một ít rượu gốc + nước lã + cồn hóa học = rượu nguyên chất! Hiện nay trên thị trường chế biến rượu siêu lợi nhuận gồm các loại men có xuất xứ từ Trung Quốc, cồn thơm thay cho cồn bình thường tạo hương vị hấp dẫn cho dân nhậu. Cồn thơm 900 theo thời giá chỉ khoảng vài chục ngàn đồng/lít. Một lít cồn này pha thêm nước lã cho ra 3 - 4 lít rượu loại 300 - 400. Một số thương lái chuyên bỏ mối rượu từ vùng Long An, Hóc Môn tiết lộ: “Loại cồn này pha thêm vào làm rượu trong vắt, có mùi thơm khá hấp dẫn, được dân nhậu khoái nên bán khá chạy, có điều uống thường hay gây nhức đầu, chóng mặt, khô cổ… còn uống nhiều rất nguy hiểm vì chứa độc tố methanol vượt tiêu chuẩn cho phép. Methanol còn gọi cồn hóa học, bị cấm dùng trong thực phẩm, chỉ sử dụng trong công nghiệp. Tuy nhiên chỉ vì lợi nhuận cao nên việc pha cồn này vào rượu đang diễn ra khá phổ biến.
Dân nhậu có câu nói cửa miệng “đâu có mộ bia nào ghi… chết vì rượu” nên cứ nhậu thả cửa! Nhưng nay hãy xem lại, nếu không chết vì rượu thì cũng… tàn tạ thể xác. Các nhà khoa học đã cảnh báo rượu dỏm, rượu độc hiện nay chứa lượng Methanol rất cao, khi uống cảm nhận rất “êm” vì chậm say hơn rượu thật (Ethanol). Rượu Methanol nguy hiểm ở chỗ là rất độc, đào thải chậm và tích lũy dần trong cơ thể. Tùy theo sự nhạy cảm của cơ địa mỗi người, chỉ cần hấp thu 7% Methanol là có thể gây mù mắt, hôn mê và tử vong (giới hạn cho phép dưới 0,1%). Trong vụ 6 người tử vong do uống Rượu nếp 29 Hà Nội, cơ quan chức năng đã lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm rượu này có hàm lượng Methanol vượt 2.000 lần mức cho phép!
Những tác hại lâu dài
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nếu lạm dụng rượu độc kéo dài sẽ gây nên những tác hại khôn lường như: Tế bào não bị tổn thương vĩnh viễn, mất trí nhớ, hay nhầm lẫn, suy đồi tính cách. Đối với tim mạch gây cao huyết áp, xơ vữa động mạch, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim; Xơ gan, viêm loét dạ dày, viêm tụy, viêm rượu… Rượu cũng ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản: giảm khả năng tình dục ở nam và lãnh cảm ở nữ. Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây bệnh thần kinh hay dị tật thai nhi.
Ngộ độc rượu là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống quá mức chấp nhận của cơ thể, dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác. Ngộ độc rượu biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ (không kiềm chế cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững) đến nặng với các biểu hiện nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp và có thể tử vong nếu không được cấp cứu.
Ngộ độc rượu còn có thể do uống phải rượu giả, rượu pha siêu tốc (nước lã + cồn + hương liệu = rượu) có chứa Methanol, Ethylene glycol…. Uống nhiều rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt cây…), động vật (mật, phủ tạng, bộ phận khác…) cũng không tốt cho sức khỏe.
Ngày xuân sắp tới, nhấp một vài ly rượu tết với những người thân, chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới. Và để giữ gìn sức khỏe cho nhau, mọi người cần ghi nhớ rằng, không uống khi không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc. Dù vậy, tuy rượu có thương hiệu hẳn hòi như Làng Vân, Vodka, Nếp Hà Nội, rượu Bắc, rượu Bầu Đá (Bình Định) đến rượu đế Hóc Môn, Gò Đen Long An… cũng phải coi chừng là rượu dỏm! Đến như rượu Rượu nếp 29 Hà Nội có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền mà còn gây ngộ độc chết nhiều người thì huống chi là…
Nhiều người nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam đều có chung nhận xét: Ở Việt Nam mua rượu quá dễ! Giá rượu lại quá rẻ nên người dân nào cũng có thể lai rai từ sáng tới tối, uống nhiều hơn ăn, nhiều người chỉ nhấm nháp vài miếng cóc, ổi, xoài… mà uống tới cả lít rượu để rồi phải trả giá bằng mạng sống thì thật quá đắt!
HẢI ANH