Theo báo cáo của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB-XH), trong năm 2013, cả nước đã xảy ra 6.695 vụ tai nạn lao động làm gần 7.000 người bị nạn. Trong đó, số vụ tai nạn lao động gây chết người là 562 vụ. Còn theo thống kê chung của Bộ LĐTB-XH, mỗi năm đều có khoảng 500-550 người chết do tai nạn lao động.
Những vụ tai nạn điển hình như ngạt khí tại Công ty TNHH Việt Nam Chitin (Hậu Giang) làm 4 người chết, vụ trật toa xe khỏi đường ray tại Công ty than Vàng Danh cũng làm chết 3 công nhân và 4 người khác bị thương nặng. Trong năm 2013, hai vụ ngạt khí tại vỉa than 643 (Quảng Ninh) và Nhà máy tinh luyện dầu thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia (Đồng Tháp) cũng làm nhiều người thiệt mạng. Những vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng về người và của trong vụ sập đá tại mỏ đá Lèn Rỏi (Nghệ An), sự cố vận chuyển thang xây dựng tại công trình xây dựng Khu đô thị Đại Thanh (Hà Nội), sập giàn giáo tại công trình cầu Sông Tranh (Hải Dương)… đều đã thông tin.
Tuy nhiên, theo số liệu tính toán của một số nhà khoa học thì con số tai nạn lao động thực tế và tính ở nhiều lĩnh vực, từ xây dựng, cơ khí chế tạo đến sản xuất nông nghiệp… hàng năm xảy ra cao gấp hàng chục lần so với con số báo cáo, ước tính trên 40.000 vụ/năm. Chính các cơ quan chức năng như Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ LĐTB-XH, Bộ Công an… cũng có những số liệu đưa ra khác nhau.
Tai nạn lao động không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn đẩy các chi phí bồi thường, hỗ trợ và bảo hiểm xã hội, trợ cấp cho lao động bị tai nạn lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Cùng với tai nạn giao thông thì tai nạn lao động xảy ra như cơm bữa đã làm nhiều người không thể an tâm.
Một điều nghịch lý nữa, đó là việc xử lý các vụ để xảy ra tai nạn lao động, gây thương tích nặng hoặc tử vong cho người lao động. Trước đây chúng ta thường đổ lỗi cho… thiếu văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng đại diện Bộ LĐTB-XH mới đây thẳng thắn nói rằng, bây giờ chế tài đã có đủ rồi, lĩnh vực nào cũng có những quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Bên cạnh các lực lượng cùng tham gia quản lý, điều tra an toàn lao động như công an, viện kiểm sát, chính quyền các địa phương, rồi công đoàn cũng có thể vào cuộc thì còn có cả lực lượng thanh tra lao động nữa. Nhưng đại diện Bộ LĐTB-XH cũng lại phân bua: do lực lượng thanh tra quá mỏng nên không thể quản lý, kiểm soát một cách triệt để.
Trong bối cảnh đó, lại đành phải trông đợi sự tự giác chấp hành của các đơn vị và chủ sử dụng lao động cũng như ý thức tự giác - tự bảo vệ mình của người lao động. Nhưng trong trường hợp chủ sử dụng lao động vì tham lợi nhuận, cố tình cắt xén chi phí đầu tư cho việc bảo hộ lao động - an toàn lao động, coi thường tính mạng người lao động thì rõ ràng cần phải có cơ quan chức năng can thiệp. Do đó, một khi cơ quan chức năng còn chưa làm tròn trách nhiệm quản lý của mình thì còn xảy ra tai nạn lao động, thậm chí ngày càng gia tăng. Thật buồn là cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn làm chưa tròn trách nhiệm của mình. Nhiều vụ tai nạn lớn xảy ra nhưng chưa làm rõ và kịp thời. Trong năm 2013, trong số hàng trăm vụ nhưng mới chỉ có 3 vụ được chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố các cá nhân liên quan.
Trên các diễn đàn, rất nhiều quan điểm cho rằng, chỉ “kêu gọi” thôi không hiệu quả, phải xử lý thật nghiêm túc các vụ để xảy ra tai nạn, phạt nặng và cần thiết phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu - không chỉ là chủ sử dụng lao động mà cả lãnh đạo địa phương để xảy ra nhiều tai nạn lao động. Có những vụ cần xử “làm gương” mới xây dựng được sự tự giác về chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh trong lao động của mọi doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, ràng buộc trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp một cách chặt chẽ, minh bạch.
Đồng thời, không chỉ trông chờ vào lực lượng thanh tra mà cả công đoàn cũng phải vào cuộc, kiểm tra và quản lý doanh nghiệp, đòi hỏi quyền lợi cũng như tuyên truyền ý thức chấp hành an toàn lao động cho người lao động. Việc thanh tra, kiểm soát an toàn lao động trong các doanh nghiệp cũng cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương. Chúng ta đã nhận được những bài học đau đớn sau nhiều vụ sập mỏ đá, hầm khai thác vàng, cháy nổ lớn… và điều đó không thể tái diễn.
VĂN PHÚC