Vụ cháy nổ gây tai nạn thương tâm tại quận 3 TPHCM ngày 24-2 làm sập 3 căn nhà, 10 người tử vong khiến dư luận bàng hoàng 2 ngày qua. Trước đây đã có những vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng tại các khu dân cư do bất cẩn với thuốc nổ, nhưng có vẻ như nhiều người vẫn chưa ý thức được hậu quả tàn khốc của nó. Cũng đã có những vụ tội phạm sử dụng thuốc nổ để cướp, tống tiền, giết người, phá hoại tài sản người khác. Qua các vụ việc đó cho thấy công tác quản lý đối với việc bảo quản, và sử dụng thuốc nổ, tiền chất thuốc nổ (nguyên liệu trực tiếp để sản xuất thuốc nổ), vật liệu nổ công nghiệp đang quá lỏng lẻo.
Ngay sau khi xảy ra vụ nổ thảm khốc tại quận 3, nhiều bạn đọc đã qua đường dây nóng Báo SGGP bức xúc phản ánh mối lo lắng khi cư dân phải sống trong sợ hãi do những nhà láng giềng coi thường hiểm họa cháy nổ và ai cũng có thể dễ dàng mua tiền chất thuốc nổ để làm mìn tự tạo.
Các quy định về an toàn phòng cháy - chữa cháy và quản lý vật liệu nổ công nghiệp đều đã có, quy định khá cụ thể, thế nhưng việc kiểm tra, giám sát chưa thật chặt chẽ nên chưa đảm bảo hiệu quả thực thi. Các tiền chất thuốc nổ như amoni nitrat, nitrometan, natri nitrat, kali nitrat, natri clorat, kali clorat, kali perclorat… không khó để tìm mua trên thị trường. Thực tế kẻ đặt mìn tự chế để tống tiền tại khách sạn Legend Sài Gòn trước đây khi bị bắt đã khai nhận dễ dàng mua tiền chất thuốc nổ và học được cách làm mìn tự chế qua hướng dẫn ngay trên mạng.
Người dân không khỏi lo lắng với những câu hỏi: Tại sao thảm cảnh này lại có thể xảy ra? Vụ nổ có sức công phá lớn như vậy cho thấy vật liệu gây nổ chắc chắn không phải là “loại xoàng”. Vậy sao lại có thể mua được, rồi vận chuyển và tàng trữ ngay trong một khu dân cư đông đúc của một quận trung tâm TPHCM? Những ai phải là người chịu trách nhiệm liên quan đến vụ tai nạn đau lòng này?
Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, quy định rõ về điều kiện, đối tượng được quản lý, sử dụng vật liệu nổ. Sở Công thương TPHCM cho biết từ 2 năm qua sở này đã ngưng cấp phép cho việc kinh doanh, lưu trữ hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn TP.
Sở Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ TPHCM cũng khẳng định thời gian qua sở không cấp phép cho bất cứ hãng phim hay công ty hiệu ứng cháy nổ nào tàng trữ, vận chuyển vật liệu nổ. Theo quy định, việc lưu giữ các hóa chất dễ gây cháy nổ phải đáp ứng đủ các điều kiện đảm bảo an toàn và phải được Sở Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ TPHCM thẩm định. Thế nhưng, theo sở này: “Trường hợp lưu giữ hóa chất bị nghi dẫn đến cháy nổ tại quận 3 thì chưa có hồ sơ gửi đến sở để thẩm định”.
Như vậy, có thể thấy Công ty cổ phần Công nghệ giải trí Lạc Việt và ông Lê Minh Phương đã không có giấy phép để lưu giữ vật liệu nổ hoặc hóa chất dễ gây cháy nổ. Không hiểu các hãng phim thuê ông Phương làm dịch vụ cho những cảnh nổ có biết điều này không? Hay là họ không quan tâm đến những quy định của pháp luật, chỉ cần bên thực hiện làm với “giá mềm” là được!
Ngoài ra, cũng cần đề cập đến trách nhiệm của công an địa phương. Việc “nắm hộ, nắm người” đã được thực hiện như thế nào, có biết ông Lê Minh Phương chuyên đảm nhiệm những cảnh gây nổ tại các phim trường mà không có giấy phép lưu giữ vật liệu nổ hay không? Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên làm rõ những điều này, để tránh tiếp tục xảy ra những vụ việc đau lòng như vậy.
T.KHÔI