Phiên chất vấn tại Quốc hội đang diễn ra với rất nhiều vấn đề nóng hổi được các ĐBQH đặt ra với các thành viên Chính phủ. Từ câu hỏi tại sao Việt Nam mãi chưa thể thoát khỏi cảnh gia công, đưa công nghiệp hỗ trợ phát triển đến trăn trở bao giờ việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức ở nước ta thoát khỏi tình trạng “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ rồi mới đến trí tuệ”... Một vấn đề nóng, bức xúc hiện nay cũng đã được các ĐBQH đặt ra: Tại sao Việt Nam để mất lợi thế lớn nhất của chính mình ngay trên sân nhà - lợi thế về nông nghiệp?
ĐBQH Trần Du Lịch (TPHCM) nhắc lại điều mà từ lâu chúng ta đã nói: Lợi thế lớn nhất của Việt Nam vẫn là nông nghiệp, hiểu nghĩa rộng bao gồm cả ngư nghiệp và rộng hơn nữa là kinh tế biển. Tuy nhiên, thêm một lần nữa ĐB Trần Du Lịch phải xót xa vì dường như bài toán phát triển này chưa được đặt ra một cách tổng thể. Đã có nhiều chính sách, đề án về phát triển nông nghiệp, nhưng không giải quyết được tình hình, không giải quyết được vấn đề như mong muốn. Để rồi, người nông dân Việt Nam cứ mãi lâm vào tình cảnh luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Vừa với vai trò ĐBQH, vừa là một chuyên gia kinh tế, ông Trần Du Lịch phân tích rằng giải quyết bài toán về phát triển nông nghiệp trong kinh tế thị trường về mặt vĩ mô phải làm được 3 việc: sản xuất cái gì, sản xuất bằng cách nào, sản xuất cho ai? “Lâu nay sản xuất cái gì, trồng cây gì, nuôi con gì thì chúng ta nói rất hay. Nhưng bài toán sản xuất bằng cách nào với giá thành rẻ nhất có thể cạnh tranh được thì không giải được. Sản phẩm làm ra bán đi đâu cũng không giải được. Đó là lý do chúng ta ca bài ca muôn thuở “được mùa mất giá, được giá mất mùa” - ông Trần Du Lịch nói.
Có quá nhiều ví dụ từ thực tiễn để thấy điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại hàng năm. Việt Nam cần 6 triệu tấn bắp để chăn nuôi nhưng chủ yếu phải nhập. Vì bắp sản xuất trong nước giá thành cao hơn nhập khẩu (nhập 5.600 đồng/kg nhưng sản xuất trên 6.000 đồng/kg). Bộ NN-PTNT chỉ đạo làm bắp 200.000ha ở ĐBSCL nhưng bắp không bán được. Lý do là chúng ta đã không quan tâm đến vấn đề phương thức sản xuất. Nếu không thay đổi phương thức sản xuất thì không đưa khoa học, công nghệ, tín dụng vào được. Điều này dẫn tới không giảm giá thành cho sản phẩm nông nghiệp. Nghịch lý là Việt Nam lại đang có 12 sản phẩm nông nghiệp về năng suất sinh học đứng đầu thế giới. Năng suất sinh học đứng đầu thế giới nhưng tại sao vẫn nghèo - đó là câu hỏi khiến nhiều ĐBQH ưu tư.
Câu chuyện về người trồng điều Việt Nam đang “thua ngay trên sân nhà” cũng được ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đưa ra để lý giải cho việc Việt Nam đang mất lợi thế nông nghiệp. Các doanh nghiệp chế biến hạt điều của Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung hàng năm đã nhập hàng trăm ngàn tấn điều từ châu Phi với giá rẻ hơn dù chất lượng không bằng hạt điều Việt Nam để chế biến. Rồi từ đó lại xuất khẩu đi từ 1,2 - 1,5 tỷ USD với thương hiệu hạt điều Việt Nam. Số lượng nhập chiếm khoảng 50% nguyên liệu chế biến cho các doanh nghiệp điều của Việt Nam. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người trồng điều trong nước mà còn ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu điều Việt Nam...
Đó chỉ là 2 trong số hàng loạt ví dụ cho thấy Việt Nam đang để mất dần lợi thế lớn nhất của mình về nông nghiệp. Đây cũng là bài học ngậm ngùi của cây thanh long, hạt cà phê, con cá tra... trong những năm qua. Là sự cay đắng của biết bao người khi mỗi một năm lại phải nhìn thấy cảnh những xe tải dưa hấu, vải thiều.. của Việt Nam bị ùn ứ, thối rữa nơi cửa khẩu biên giới Trung Quốc. Quẩn quanh vẫn là bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, người nông dân vẫn chịu thiệt thòi nhất và họ vẫn phải đang “tự bơi” trong sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Thực tế, trong chuỗi hoạt động từ sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản chưa có sự gắn kết hiệu quả, từ đó dẫn đến các hệ lụy người nông dân phải chịu thiệt thòi trong trao đổi, giao dịch hàng hóa nông sản. Hàng loạt các hệ lụy khác cũng từ đó mà ra, đặc biệt là việc không xây dựng được thương hiệu nông sản Việt Nam. Ngay đến mặt hàng nông sản điển hình nhất là gạo Việt Nam thì đến nay chúng ta vẫn chưa khẳng định được thương hiệu, bởi giá gạo Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực. Người nông dân vẫn tự hỏi, biết đến khi nào hạt gạo Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh với gạo Thái Lan hoặc Indonesia?
Vì vậy, làm sao để gắn kết hơn giữa các doanh nghiệp, công nghiệp chế biến với người sản xuất? Làm sao để tăng cường sự liên kết giữa nhà nông, nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng và nhà tiêu thụ? Đó vẫn là những câu hỏi lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Đó cũng là điều mà các ĐBQH đều yêu cầu Chính phủ cần phải có chính sách giải pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn để việc tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản của người nông dân hanh thông và đảm bảo có lãi 30%. Chỉ khi làm được điều đó thì Việt Nam mới không bị mất lợi thế về nông nghiệp, ngay chính trên sân nhà của mình.
LÂM NGUYÊN