Đừng để ngư dân tự bơi!

Suốt trong tháng 1-2011, bà con ngư dân cả nước phấn khởi với những mẻ lưới đầu năm trĩu nặng. Niềm vui “chưa được tày gang” thì giá xăng dầu, dịch vụ hậu cần nghề cá tăng mạnh đã làm chùn tay những chủ thuyền. Không ít tàu nằm bờ chờ ngớt cơn “bão giá”. Đầu tháng 3, tuy chưa thống kê chính xác nhưng tàu về các cảng cá miền Trung lơi dần, sản lượng giảm rõ. Giá cả thủy sản tăng mạnh ở các chợ nhưng ngư dân vẫn thiệt thòi, các đơn vị thu mua chế biến thủy sản một phen lao đao do không đủ nguyên liệu sản xuất.

Vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả đánh bắt thủy sản chưa bao giờ nóng như hiện nay. Không chỉ sức ép đầu vào do giá cả tăng mà vấn đề tìm ngư trường, rủi ro thời tiết, chất lượng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu, bảo hiểm tai nạn nghề cá... cũng là những áp lực đối với nghề đánh bắt thủy sản.

Không bó tay trước khó khăn, ngư dân đã có những cách thức sáng tạo trong hợp tác sản xuất như mô hình hợp tác “tàu mẹ - tàu con” ở Khánh Hòa hay liên kết nhóm tàu bằng thừng để di chuyển ở Quảng Trị nhằm giảm giá thành đầu vào, tăng tính cộng đồng trong việc tìm đúng ngư trường đánh bắt hiệu quả. Đà Nẵng đang tiếp tục phát huy mô hình đánh bắt hải sản theo tổ, đội với 97 tổ khai thác hải sản được thành lập với tổng số 699 tàu tham gia. 100% tổ, đội đánh bắt hải sản tuyến gần bờ đều được trang bị máy thông tin liên lạc, máy định vị...

Đặc biệt, cuối tháng 2-2011 vừa qua, bản tin dự báo thời tiết biển và ngư trường chính thức lên sóng trên kênh truyền hình Nông nghiệp – Nông thôn (VTC16) đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết về thông tin thời tiết của ngư dân nước ta như: vùng ngư trường nào đang diễn ra đánh bắt thuận lợi; giới thiệu xu hướng chung của thời tiết biển và dự báo ngư trường trên cả nước. Một vấn đề tưởng đã lãng quên đó là ý tưởng thành lập Quỹ hỗ trợ nghề cá cho ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi đầu năm 2010 đã nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội và bà con ngư dân. Tuy nhiên cho đến nay, một cơ chế hình thành quỹ vẫn chưa được lưu tâm đúng mức.

Đã có một số nguồn vốn từ các quỹ như quỹ nhân đạo nghề cá, quỹ phòng chống thiên tai... để trợ giúp ngư dân gặp nạn hoặc rủi ro. Nhưng để tiếp cận với các nguồn quỹ này lại không dễ bởi thủ tục, giấy tờ khá phức tạp. Thêm vào đó, số tiền hỗ trợ lại quá nhỏ bé so với những thiệt hại của ngư dân. Thực tế, sự có mặt của hơn 1 triệu ngư dân và các lực lượng khác hàng ngày trên các vùng biển, đảo không chỉ khai thác hiệu quả tiềm năng biển mà còn góp phần bảo vệ, gìn giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Do vậy không thể không tính đến việc hỗ trợ cho ngư dân bằng các nguồn vốn ưu đãi hoặc vay không lãi từ ngân sách để hỗ trợ ngư dân hiệu quả trong việc bám biển, giữ gìn vùng lãnh hải Tổ quốc.

Trần Kha

Tin cùng chuyên mục