Sự kiện Công an huyện Bình Chánh khởi tố anh Nguyễn Văn Tấn về tội “kinh doanh trái phép” không còn là chuyện của cá nhân anh Tấn mà chuyện của 3,6 triệu hộ kinh doanh cá thể trong cả nước. Nói vậy là vì từ vụ việc này, các hộ kinh doanh cá thể đều lo rằng, với hình thức xử lý hình sự như thế các hộ kinh doanh có nguy cơ trở thành tội phạm bất kỳ lúc nào, bởi lâu nay người dân vẫn kinh doanh bằng “bản năng”. Họ không hề đăng ký kinh doanh cho đến khi được cơ quan chức năng hướng dẫn.
Đứng về góc độ pháp lý và sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhiều người dân muốn làm giàu, cơ quan chức năng muốn kiểm soát chặt, thì việc xử lý vi phạm là cần thiết. Nhưng việc xử lý hình sự đối với anh Nguyễn Văn Tấn không chỉ làm cho người dân hoang mang mà chính những người hiểu biết về pháp luật cũng đặt ra vấn đề về quyền lực của người thực thi công vụ tại địa phương.
Nhìn vào thực tế, chỉ một hoạt động kinh doanh như tiệm phở, công an có quyền kiểm tra, ngành y tế cũng có quyền kiểm tra, ngành lao động thương binh - xã hội cũng có quyền kiểm tra, ngành tài nguyên - môi trường cũng có quyền kiểm tra… Điều đó khiến cho doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí bôi trơn nếu muốn “được việc”. Và nhìn từ hồ sơ vụ việc của anh Nguyễn Văn Tấn cho thấy, một người kinh doanh chân chính hiện bị quá nhiều ràng buộc bởi quy định pháp luật, bị quá nhiều cơ quan chức năng kiểm tra xử lý, có thể gây khó dễ.
Các quy định pháp luật về giấy phép con đã rõ. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, chỉ những hoạt động kinh doanh có điều kiện mới phải xin giấy phép con. Nhưng quy định không rõ ràng khiến các địa phương tùy tiện, biến những “điều kiện” thành “giấy phép con”, điển hình trong vụ việc của anh Tấn vừa qua, “giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm” trở thành giấy phép con nhằm quy buộc tội kinh doanh trái pháp luật để xử lý hình sự. Tinh thần của Luật Doanh nghiệp còn quy định rõ về việc tự do kinh doanh trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho phép doanh nghiệp được tự do kinh doanh (trừ 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện), nghĩa rằng chỉ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới phải đăng ký. Thế nhưng, các văn bản dưới luật lại quy định người dân phải đăng ký ngành nghề kinh doanh. Hóa ra, tự do vẫn phải đăng ký! Điều đó cũng giống như, quy định pháp luật đã rõ nhưng cấp dưới thực hiện theo cách của mình.
Do đó, nếu Quốc hội không kiểm tra, giám sát xuyên suốt quá trình từ khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến áp dụng pháp luật, thì sẽ còn rất nhiều những người vô tội bị oan như trường hợp anh Nguyễn Văn Tấn.
HÀN NI