Ngày 4-2, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, đã công bố nhân sự ban chỉ đạo, gồm 5 phó trưởng ban, 10 ủy viên.
Đây là sự kiện được đông đảo người dân cũng như công luận quan tâm tại thời điểm này cũng như suốt thời gian qua, khi nó gắn liền với kỳ vọng lớn lao của nhân dân cả nước về quyết tâm chính trị cũng như hiệu quả phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới.
Có thể nói, chưa bao giờ như lúc này, tệ nạn tham nhũng đã trở nên nhức nhối, vượt quá sự chịu đựng của người dân. Từ các vị cán bộ lão thành cách mạng đến cán bộ đương chức thanh liêm, từ những trí thức, chức sắc tiêu biểu đến từng người dân bình thường đều rất bất bình về quốc nạn tham nhũng. Nhân dân từng đau đáu tự hỏi, tại sao càng chống thì tham nhũng càng nhiều hơn.
Phát hiện tham nhũng nhiều nhưng xử lý ít? Bức xúc đến mức có đại biểu Quốc hội đã đề nghị năm 2013 và các năm tới phải mở cuộc vận động tiết chế lòng tham, cuộc vận động từ chức, nhất là đối với các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh nếu lĩnh vực mình phụ trách xảy ra tham nhũng. Mạnh mẽ hơn, đã có người đề nghị với tội phạm tham nhũng, không được đặc xá, giảm án hay án treo. Phải coi tham nhũng như tội phản quốc bởi như vậy mới có thể phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Tham nhũng sẽ làm hỏng Đảng ta, sẽ gặm nhấm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, sẽ làm cho những thành quả chung của đất nước nhuốm màu hoài nghi, làm cho lòng người chán nản. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.
Trong bối cảnh đó, khi lòng tin và sự kiên nhẫn của nhân dân đang bị thử thách, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị đã trở thành niềm kỳ vọng lớn của người dân. Nhân dân hy vọng, với một ban chỉ đạo do Tổng Bí thư đứng đầu, một ban chỉ đạo được điều chỉnh về nhân sự sẽ có quyết tâm cao hơn, tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kỳ vọng này của nhân dân thể hiện rất rõ ràng trong thời gian qua, nhất là khi Ban Nội chính Trung ương được tái lập. Sự thật, đã có một không khí phấn chấn, tin tưởng vào những tổ chức, con người sẽ làm tốt việc phòng, chống tham nhũng trong tương lai gần.
Quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng đã được tái khẳng định nhiều lần. Đến giờ này, tổ chức phòng, chống tham nhũng cũng đã được kiện toàn một cách hoàn chỉnh hơn bao giờ hết. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Thành phần ban chỉ đạo lần này gồm đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó có Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đại diện ý chí nguyện vọng của nhân dân, vì vậy nhân dân rất kỳ vọng vào hiệu quả chống tham nhũng trong thời gian tới.
Điều còn lại, như phát biểu của Tổng Bí thư trong phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. “Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không, nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được. Tất cả 16 đồng chí thành viên ban chỉ đạo phải là 16 tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên ban chỉ đạo phải là một tấm gương về liêm sáng, trung thực, công tâm, khách quan, nếu không dân không tin”. Lời căn dặn của Tổng Bí thư đối với các thành viên ban chỉ đạo cũng chính là kỳ vọng, là mong mỏi của toàn dân Việt Nam đối với cán bộ làm công tác chống tham nhũng.
Hãy đừng để tay bị nhúng chàm!
LÂM NGUYÊN