Đừng đổ khó cho doanh nghiệp

Một đề xuất bất ngờ khiến dư luận không khỏi bị choáng. Tại cuộc họp báo ngày 4-9 của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đều kêu lỗ do tỷ giá và xin “phân bổ vào giá điện”. Theo Phó Tổng giám đốc TKV, riêng khâu sản xuất điện, từ đầu năm đến nay, chênh lệch tỷ giá đã khiến TKV lỗ 1.200 tỷ đồng. Trong khi Phó Tổng giám đốc EVN thì cho rằng mức lỗ của EVN do chênh lệch tỷ giá còn gấp cả chục lần so với mức lỗ của TKV.

Xin phân bổ chênh lệch tỷ giá vào giá điện là giải pháp đơn giản nhất trong kinh doanh và là “bổn cũ soạn lại” của các doanh nghiệp này mỗi khi có điều chỉnh tỷ giá. Theo các chuyên gia tài chính, đây là việc làm không bình thường. Một câu hỏi được đặt ra: Việc điều chỉnh tỷ giá ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đâu riêng gì điện và than, tại sao các ngành khác không đòi phân bổ vào giá thành? Nếu tất cả doanh nghiệp nào liên quan đến vay ngoại tệ, mua nguyên liệu bằng ngoại tệ... cũng đòi tăng giá thì nền kinh tế sẽ ra sao? Và như vậy có sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp hay không?

Nhưng không chỉ là chuyện không công bằng. Đề xuất trên buộc người ta phải đặt câu hỏi về khả năng lên kế hoạch và năng lực quản trị kinh doanh của ngành này. Ngay từ đầu năm, biên độ nới tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 2%. Với dự báo này, doanh nghiệp phải có kế hoạch chuẩn bị sẵn cho những rủi ro trong kinh doanh chứ không thể cứ để bị động khi có biến cố là kêu cứu Nhà nước. Đó là chưa kể, việc nới biên độ tỷ giá mới xảy ra trong tháng 8, trong khi ngành than đã kêu lỗ từ rất lâu, vậy con số lỗ 1.200 tỷ đồng là có phải chỉ do chênh lệch tỷ giá hay không, cần phải được làm cho minh bạch.

Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào những tháng cuối cùng của năm, với những dấu hiệu khả quan nhưng thách thức rất lớn đang còn ở trước mắt. Các doanh nghiệp cũng đang tăng tốc cho những đơn hàng cuối năm trong điều kiện thị trường không ngừng biến động, trong đó có việc điều chỉnh tỷ giá và sự ảm đạm của thị trường chứng khoán thế giới sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Việc phân bổ tỷ giá vào giá điện có lợi cho EVN và TKV nhưng sẽ gây khó cho các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế đang dốc sức hoàn thành kế hoạch năm; và với đông đảo người lao động, trong đó có những đối tượng chuẩn bị được tăng lương tối thiểu, đời sống sẽ nhiều khả năng gặp khó khăn hơn.

Có phân bổ chênh lệch tỷ giá vào giá điện hay không? Vấn đề còn được các bộ chức năng bàn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhưng về lâu dài, phải thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Thủ tướng về việc thị trường hóa ngành điện, không để tình trạng độc quyền, tùy tiện tăng giá không theo lộ trình làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển kinh tế của đất nước và đời sống của người lao động.

Dương Trọng Dật

Tin cùng chuyên mục