Chuyện nghệ sĩ Việt đi nhận giải thưởng ở xứ người được đăng tải rình rang trên báo chí vốn bản thân nó phải là câu chuyện vui. Nhưng đâu cứ nhận giải thưởng là được và để công chúng tôn vinh, ngưỡng mộ bởi phía sau hậu trường còn là những câu chuyện dài.
Trong những ngày qua, diễn viên Chi Pu đến Hàn Quốc nhận giải thưởng Nghệ sĩ mới (Rising Star) trong lĩnh vực điện ảnh tại giải thưởng Nghệ sĩ châu Á 2016 (Asia Artist Awards 2016) làm tiêu tốn của báo chí không ít giấy mực. Đây là năm đầu tiên giải thưởng được tổ chức và được ví “là sự kiện quan trọng của nền giải trí Hàn Quốc nhằm vinh danh các nghệ sĩ châu Á trong lĩnh vực âm nhạc và phim ảnh dựa trên sự thể hiện của họ tại Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung”. Nhận giải, lại là giải ở nước ngoài dĩ nhiên đầu tiên phải vui nhưng điều khiến người viết bài có chút băn khoăn, liệu tiêu chí đánh giá hạng mục giải thưởng Nghệ sĩ mới được ban tổ chức dựa trên những yếu tố nào. Không phủ nhận, Chi Pu từng không ít lần được lên mặt báo Hàn Quốc và nhận những lời khen có cánh nhưng xét ở góc độ nghề nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực phim ảnh cô chưa phải là cái tên có những dấu ấn đặc biệt của làng điện ảnh Việt.
Điều không mấy ngạc nhiên, trong vài năm trở lại đây Asia Artist Awards 2016 không phải giải thưởng đầu tiên tại Hàn Quốc lựa chọn vinh danh các nghệ sĩ Việt. Mnet Asian Music Awards (MAMA) từng có 4 lần vinh danh các ca sĩ Việt là Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương và mới đây nhất là Đông Nhi ở hạng mục Nghệ sĩ xuất sắc châu Á. Năm 2015, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng từng nhận giải Nghệ sĩ châu Á xuất sắc (Asia Superstar) nằm trong Asia Model Awards thuộc khuôn khổ Liên hoan Người mẫu châu Á (Asia model festival) do Hiệp hội Người mẫu châu Á phối hợp với Công ty EMN (Hàn Quốc) tổ chức. Cùng năm đó, Ngọc Trinh nhận giải Nghệ sĩ trẻ Việt Nam xuất sắc. Đầu tháng 9 vừa qua, diễn viên Nhã Phương cũng có mặt ở xứ sở kim chi nhận giải Ngôi sao châu Á tại Seoul International Drama Awards 2016.
Không khó để nhận thấy, việc các nghệ sĩ Việt nhận giải thưởng quốc tế trong vài năm trở lại đây chủ yếu theo hai hình thức: bình chọn của khán giả và các giải thưởng mang tính chất giao lưu về văn hóa. Trường hợp của Nhã Phương, không khó để lý giải vì cô tham gia liên tiếp trong 2 phần của Tuổi thanh xuân - dự án phim hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Bạn diễn của cô, Kang Tae Oh, cũng từng nhận giải Gương mặt diễn viên nam ấn tượng tại VTV Awards 2015 ở Việt Nam. Giải thưởng dành cho Đàm Vĩnh Hưng thực chất là do người Việt sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc bình chọn. Những giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc nhất Đông Nam Á tại MTV EMA (MTV châu Âu) mà Mỹ Tâm, Sơn Tùng, Đông Nhi nhận được thời gian qua cũng đến từ lá phiếu bình chọn của khán giả. Một thực tế không thể phủ nhận, cứ liên quan đến bình chọn, đặc biệt trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế, Việt Nam hiếm khi nào để vuột giải này. Lan Khuê lọt tốp 11 Hoa hậu thế giới 2015 cũng xuất phát từ sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ trong nước là thế.
Nhưng chuyện nhận giải lại có những tình huống “cười ra nước mắt”. Vinh dự nhận lời mời từ MTV EMA sang nhận giải Nghệ sĩ xuất sắc nhất Đông Nam Á - lần đầu tiên được hợp thức hóa để trở thành 1 trong 18 hạng mục chính của giải thưởng này nhưng Đông Nhi lại không hề được bước lên thảm đỏ hay sân khấu để công bố nhận giải. Cô chỉ được thông báo chiến thắng trên trang web của giải thưởng và đành nhận giải trong... hậu trường.
Một câu hỏi đặt ra là, bản thân các nghệ sĩ và cả khán giả sẽ ứng xử như thế nào với các giải thưởng đạt được. Có những người, vì nhận được sự tung hê của một bộ phận truyền thông, người hâm mộ cho rằng giải thưởng của mình là danh giá nhưng thực chất, khi bị bóc mẽ lại bị gắn mác “ao làng”. Nếu chỉ coi đó là hư danh hay làm sang bản thân thì dù có nhận được hàng chục giải thưởng, giá trị của họ trong mắt công chúng vẫn chỉ là những bước dậm chân tại chỗ nếu không muốn nói, còn thụt lùi. Điều đáng nói ở chỗ, giải thưởng phải luôn đi kèm với sự cống hiến trong lĩnh vực họ hoạt động khi đó nó mới thực sự có giá trị và được tôn vinh xứng đáng. Một giải thưởng, dù danh giá như Oscar, Grammy, Quả cầu vàng, Cannes... cũng chưa phải là tất cả.
Đối với người hâm mộ, không phải ai cũng biết thực chất giải thưởng mà thần tượng của mình đạt được là gì. Thôi thì, vui vì có giải nên không tiếc lời để tung hô, ca tụng. Và nếu lỡ bị ném đá, họ sẵn sàng tìm mọi cách để bảo vệ thần tượng của mình, thậm chí gây hấn, mạt sát, miệt thị... đối phương không thương tiếc. Nên nhớ rằng, thần tượng đến mức ngây ngô, ngu muội đến một ngày chính các bạn nhận ra “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Thiết nghĩ, trong một số trường hợp các nghệ sĩ Việt cũng nên dũng cảm để từ chối đến nhận giải thưởng như cách Mỹ Tâm, Đông Nhi đã làm khi họ được vinh danh tại Big Apple Music Awards. Danh tiếng và hư danh rốt cuộc cũng chỉ là lằn ranh giới mong manh.
NGUYỄN VĂN