Đừng làm “hư” lễ hội

Năm nào cũng vậy, khi những ngày tết chưa kịp qua hết là khắp nơi từ trong Nam ngoài Bắc bắt đầu vào mùa lễ hội. Có những lễ hội cổ truyền, nhưng cũng không ít các lễ hội mới. Nét sinh hoạt cộng đồng này lẽ ra sẽ mang giá trị văn hóa tinh thần trọn vẹn tạo đà cho một năm mới, nhưng có một điều gì đó không ổn khiến cho lễ hội ngày càng mất đi giá trị văn hóa và nét đẹp vốn có của nó. Vì vậy, nhân mùa lễ hội nói chuyện mặt trái là điều không mới, nhưng lại luôn thời sự.

Con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy cả nước có trên dưới 9.000 lễ hội, trong đó khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Tính về số lượng thì có thể nước ta thuộc… quán quân về lễ hội. Những lễ hội này, thật ra, phần lớn đều có nguồn gốc từ hội làng dân gian.

Theo GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, hội là một không gian và thời gian chứa đựng đậm đặc năng lượng thiêng của cả vũ trụ và thời gian. Cho nên, mọi người không phân biệt giàu nghèo sang hèn đến với hội để được đắm mình trong không gian và thời gian thiêng đó. Thế nhưng, khi mà hội làng dân gian ngày xưa vốn được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử đã dần được gọi bằng cái tên lễ hội ngày nay, cùng với việc những người tổ chức và tham gia càng hiểu ít đi bản chất và ý nghĩa của nó thì những điều không đáng có lại xuất hiện ngày càng nhiều.

Nhếch nhác, xô bồ, thực dụng, thiếu an toàn… là những điều dễ thấy nhất ở không ít lễ hội hiện nay. Người ta đã phải dùng đến từ “dung tục hóa” để nói về điều này. Có đi mới thấy thực trạng trên khó mà dùng từ ngữ nào khác hơn.

Đường lên chùa Hương thì dày đặc hàng quán, thịt rừng; hội Lim thì biến thành nơi bán hàng, quan họ được hát qua loa phóng thanh… Đó là những lễ hội chính, nhiều người biết, còn ở những lễ hội nhỏ hơn thì mức độ dung tục hóa ra sao có lẽ khó mà xem xét hết. Cũng đáng suy nghĩ khi một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng tất cả những điều trên không hẳn là mặt trái của lễ hội, mà đó là những yếu tố sinh ra từ tính vụ lợi vật chất chứ không phải từ yếu tố tâm linh. Điều này cho thấy hội làng ngày xưa hay lễ hội ngày nay đều mang giá trị văn hóa, nhưng chính các nhà tổ chức, quản lý đã vô tình hay cố ý đưa hoặc để cho yếu tố vụ lợi vật chất vào lễ hội, gây ra những hiện tượng được khái quát bằng cụm từ cũng khá thị trường, là thương mại hóa lễ hội.

Giao lưu văn hóa vùng miền là một trong những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động văn hóa. Ngày nay, lễ hội của một địa phương cũng có thể được nhiều người từ khắp nơi về dự, trong đó không thể không nhắc đến du khách trong và ngoài nước. Lẽ ra, người ta phải tổ chức lễ hội sao cho thực chất để có được cái không gian và thời gian thiêng. Tiếc là, nhiều nơi đã làm chệch đi, thậm chí để thu hút du khách, người ta không ngại nâng quy mô lễ hội bằng cách kéo dài thời gian, mở rộng không gian, thêm thắt vài yếu tố hiện đại vào lễ hội… khiến cho lễ hội nào cũng có nhiều yếu tố na ná nhau. Người dự lễ hội thì không hiểu rõ hội này là gì, hội kia thờ ai, có ý nghĩa gì, nên mê tín đã gần như là yếu tố duy nhất khiến người ta chen lấn, bỏ tiền triệu tiền tỷ ra cúng bái…

Đừng làm “hư” lễ hội. Rất nhiều ý kiến, công trình nghiên cứu, hội thảo phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp để chấn chỉnh, hạn chế mặt trái phát sinh, bảo tồn bản chất, ý nghĩa của lễ hội truyền thống, nhưng dường như hiệu quả mang lại chưa được nhiều. Xét trên khía cạnh thị trường, muốn duy trì, tổ chức lễ hội thì phải có kinh phí, nên không tránh khỏi tình trạng nhiều nơi chấp nhận “phá rào” để có nguồn thu. Và khi mà lễ hội dần trở thành nơi thu hút khách, gia tăng quyền lợi vật chất thì khó mà ngăn được sự phát triển, chỉ có điều, giá trị văn hóa tinh thần sẽ ngày càng bị lấn át. Có lẽ, để bảo vệ được những giá trị văn hóa, hãy trả lễ hội về với không gian hội làng, đồng thời với việc mở rộng giáo dục văn hóa truyền thống để người dân hiểu kỹ hơn ý nghĩa của lễ hội mà không sa đà vào hoạt động mang tính mê tín. Mong sao, đừng để đến lúc nào đó người ta phải dùng cụm từ biến tướng để nói về lễ hội.

Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục