Sau gần 1 tháng căng thẳng, thời điểm 24-4 là hạn chót để các thuê bao điện thoại đăng ký thông tin với các nhà mạng cũng qua đi với việc khoảng 30 triệu thuê bao di động trả trước “được kéo dài” thời gian bổ sung thông tin cá nhân theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP.
Những vấn đề lùm xùm, quá tải, khó khăn trong thời gian qua liên quan đến việc bổ sung thông tin, ảnh cá nhân của thuê bao di động đã được dư luận đề cập rất nhiều. Vì sao trong cả 1 năm kể từ khi Nghị định 49 được ban hành, mọi chuyện không được giải quyết mà phải chờ “nước đến chân mới nhảy” gây ra tình trạng quá tải vừa qua trên toàn quốc? Trách nhiệm của các nhà mạng di động ở đâu trong vấn đề này?
Nghị định 49 có hiệu lực từ ngày 24-4-2017 quy định: “Trong vòng 12 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ của mình mà thông tin thuê bao chưa tuân thủ theo đúng quy định… Sau 12 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại nghị định này”. Đây là lý do vì sao mốc thời gian 24-4 và “sau thời điểm này các thuê bao chưa bổ sung thông tin sẽ bị cắt dịch vụ”.
Rõ ràng, đây là trách nhiệm của các nhà mạng, chứ không phải là của khách hàng. Khi Nghị định 49 mới ra đời, báo chí truyền thông đã đặt vấn đề về công tác trên, nhưng sau đó “lặng lẽ” dần. Còn các nhà mạng gần như cũng không làm gì nhiều, ngay việc truyền thông cho khách hàng của mình (trực tiếp là những thuê bao cần phải bổ sung thông tin) cũng chưa “đến nơi, đến chốn”.
Đại diện một nhà mạng thừa nhận đã không quyết liệt triển khai, để gần thời điểm cuối cùng mới làm mạnh, khiến xảy ra tình trạng quá tải như vậy. Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) Lê Thị Ngọc Mơ khẳng định: Mọi việc phải triển khai trong 1 năm vừa qua, nhưng các nhà mạng đã không làm. Người dân phải xếp hàng chờ đợi, chen chúc nhau hoàn toàn là lỗi của doanh nghiệp. Nhà mạng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chậm trễ của mình.
Trong khoảng 10 năm qua, dễ dàng nhận thấy, các nhà mạng quá dễ dãi trong việc phát triển và quản lý thuê bao của mình. Thuê bao trả sau phải ký hợp đồng với các giấy tờ pháp lý, thông tin đầy đủ chỉ chiếm khoảng 10% trên hệ thống và gần 90% thuê bao còn lại là trả trước.
Với thuê bao trả trước, theo quy định, khi mua và đăng ký SIM cũng phải khai báo giấy tờ tùy thân, nhưng các nhà mạng đã để mặc cho các cửa hàng và đại lý chạy theo số lượng và lợi nhuận, tùy thích đăng ký thông tin. Thế mới có chuyện có thể dùng 1 số chứng minh nhân dân đăng ký hàng chục, hàng trăm số SIM; SIM được đăng ký với thông tin không có thực, không thể xác minh; SIM không đăng ký đầy đủ thông tin vẫn được kích hoạt và hoạt động bình thường… Đó cũng chính là nguồn cơn của vấn nạn SIM rác, tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi quấy rối hoành hành nhiều năm qua.
Dễ dãi với khách hàng để tăng trưởng thuê bao và thu lợi nhuận, nhà mạng đã đẩy “cái khó”, “cái khổ” cho khách hàng của mình và xã hội. Với chính sách mạnh tay, Bộ Thông tin - Truyền thông gần như phải “bắt ép” các nhà mạng xử lý vấn nạn SIM rác, trong năm 2017, đã có 24,3 triệu SIM kích hoạt sẵn bị thu hồi.
Con số 30 triệu thuê bao trả trước cần phải bổ sung thông tin tại thời điểm 24-4 là con số không hề nhỏ; trong đó, hơn 90% là của 3 nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone. Không phủ nhận tâm lý của một bộ phận người dân chờ đến gần hết hạn rồi mới đua nhau đi làm, bổ sung thông tin khiến tình trạng quá tải diễn ra. Nhưng trước hết vẫn là trách nhiệm của nhà mạng. Khi có bất cứ dịch vụ gì mới, từ 3G, 4G đến roaming, khuyến mãi… nhà mạng đều truyền thông một cách hiệu quả với khách hàng của mình.
Vậy tại sao lại không truyền thông tốt theo yêu cầu của Nghị định 49 và để xảy ra tình trạng kiểu “vỡ chợ” trong những ngày cuối? Tất cả những bất cập vừa qua dồn hết cái khổ, khó cho khách hàng, thậm chí cho chính mình. Có lẽ chính vì vậy mà những ngày qua, các nhà mạng đều không “kêu la”, “bắt lỗi” khách hàng mà cho biết đã huy động tất cả để hỗ trợ. Có vẻ như đến phút cuối, ít nhiều khách hàng di động đã được các nhà mạng Việt Nam xem là “thượng đế”!?
Sau ngày 24-4, doanh nghiệp phải bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của mình theo Nghị định 49. Sau thời điểm này, nếu bị thanh, kiểm tra, nhà mạng sẽ bị xử phạt nếu thông tin thuê bao không đầy đủ. Rõ ràng, trách nhiệm này không chỉ của khách hàng.