Thất bại nặng nề của đội bóng chủ nhà Brazil trong trận bán kết với Đức là một trong những thất bại khủng khiếp nhất của lịch sử World Cup. Nó cho thấy, không có đội bóng nào mạnh đến mức không thể bị đánh bại. Cùng với trận thua 1-5 của Tây Ban Nha trước Hà Lan tại vòng đấu bảng, có thể nói World Cup đã thực sự thay đổi.
Đầu tiên, người ta được chứng kiến các tỷ số “không tưởng”, khó có thể xuất hiện trong nền bóng đá hiện đại khi khoảng cách giữa các đội bóng đã xích lại gần nhau, nhưng điều này đã xảy ra. Điều đáng nói, tỷ số đó lại diễn ra giữa các đội bóng lớn với nhau chứ không phải ở các cặp đấu có sự chênh lệch về đẳng cấp. Rõ ràng, tính khoa học trong bóng đá quyết định các thắng lợi ấy, bởi như đội tuyển Đức, dù đã dẫn trước Brazil 5-0 trong hiệp 1, vẫn tiếp tục ghi bàn trong hiệp 2. Đó là sự tập trung cho một trận đấu mang ý nghĩa then chốt. Có thắng đậm, cũng vẫn phải tiếp tục đá theo đúng những gì được “lập trình”, thay vì thả lỏng dưỡng sức.
Chính yếu tố khoa học và sự tập trung ấy là nguyên nhân khiến World Cup 2014 chứa đựng nhiều bất ngờ. Chúng ta thấy Costa Rica hay Algeria, Colombia với đa số lực lượng đều là cầu thủ chơi bóng chuyên nghiệp tại châu Âu đã tiến sâu vào giải. Họ có thể yếu về trình độ từng cá nhân cụ thể, nhưng khi thi đấu theo cách một đội bóng thống nhất, họ lại có sức mạnh không thua kém bất kỳ đội bóng lớn nào. Costa Rica hay Algeria ban đầu được đánh giá kém khá xa đẳng cấp so với Hà Lan hay Đức, nhưng tính khoa học trong cách chơi đã giúp họ đưa trận đấu về một sự cân bằng tương đối, thậm chí còn có cơ hội để đánh bại đối phương. Chính yếu tố khoa học này đã khiến World Cup 2014 dù có nhiều bàn thắng nhưng không hẳn đã tôn vinh bóng đá đẹp. Argentina, chơi không tốt tại vòng đấu bảng, luôn thắng chật vật các đối thủ với những tỷ số cách biệt rất nhỏ, nhưng lại vào đến chung kết khi chỉ ghi được 8 bàn thắng sau 6 trận đấu, dù đây là đội bóng đá sở hữu những tiền đạo giỏi nhất thế giới. Trận chung kết của World Cup 2014 rõ ràng là cuộc đối đầu giữa tính khoa học của người Đức và tính thực dụng ngày càng hoàn thiện của Argentina.
Sự thất bại của bóng đá châu Phi và đặc biệt là bóng đá châu Á càng cho thấy rõ việc từ một đội bóng dự World Cup đến chuyện vươn đến tầm cao hơn không chỉ cần sự cố gắng là đủ. Các đội Nhật Bản, Hàn Quốc hay Iran làm mưa làm gió tại các giải châu lục, nhưng khi bước ra thế giới, vẫn như những người học việc. Một vài ngôi sao được chơi bóng ở châu Âu không đủ để nâng chất của cả một tập thể ở thời buổi mà tính hệ thống trong thi đấu ngày càng được chú trọng. Không khó để đưa một cầu thủ sang châu Âu đá bóng, nhưng vô cùng khó để thay đổi đẳng cấp một đội tuyển khi cái nền là giải vô địch nội địa không ngang bằng với các giải bóng đá châu Âu. Chỉ khi nào, số lượng cầu thủ châu Á sang châu Âu đá bóng nhiều như cầu thủ Algeria, Costa Rica thì mới hy vọng lục địa lớn nhất thế giới chen chân vào đấu trường thế giới.
Trông người lại ngẫm đến ta. Chỉ với một nhóm cầu thủ U.19 được đào tạo bài bản, người ta đã mơ mộng về chuyện dự World Cup, trong khi các giải đấu trong nước èo uột, kém chất lượng, thiếu tính cạnh tranh do quá ít các CLB được đầu tư căn cơ. Tài năng là một chuyện, nội lực của làng cầu là một chuyện khác. Muốn dự World Cup, bóng đá Việt Nam trước hết phải tìm cách đứng đầu khu vực Đông Nam Á, chen chân vào tốp 10 châu Á. Muốn làm được điều đó, phải cần thêm nhiều lò đào tạo tài năng như HA.GL - Arsenal, tăng chất lượng V-League và thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội. World Cup bây giờ không còn là sân chơi riêng của những đội bóng lớn, vẫn có cơ hội cho các “tiểu quốc” trong làng túc cầu thế giới, nhưng với điều kiện phải có nội lực thực sự đến từ một hệ thống đào tạo khoa học và có chiến lược dài hạn mới mang lại kết quả.
VIỆT QUANG